Bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Ngày 10-5, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) về thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Khó vì thiếu mặt bằng

Báo cáo đoàn giám sát, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho hay từ đầu năm 2021 đến nay, ban được giao kế hoạch hơn 26.677 tỉ đồng tương ứng với 162 dự án. Trong đó, 55 dự án đã và đang quyết toán, 36 dự án thi công, 46 dự án vướng mắc, 23 dự án chưa khởi công và chuẩn bị đầu tư 2 dự án.

Tính đến tháng 3-2023, lũy kế vốn Ban Giao thông được bố trí là gần 14.290 tỉ đồng, kết quả thực hiện đạt khoảng 34%, tương đương giá trị giải ngân hơn 4.777 tỉ đồng. Số dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ trung hạn 2021-2025 là 135 dự án. Dự kiến chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 là 27 dự án.

Nhiều nguyên nhân khiến hàng loạt dự án bị chậm tiến độ được mổ xẻ tại buổi giám sát

Tại buổi giám sát, các đại biểu nêu hàng loạt ý kiến để mổ xẻ nguyên nhân khiến hàng loạt dự án bị chậm tiến độ. Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, cho rằng một điểm nghẽn quan trọng được Ban Giao thông chỉ ra là giải phóng mặt bằng. Vì vậy giải pháp xử lý cũng như công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương phải hiệu quả hơn.

Trong khi đó, bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, đặt vấn đề có mâu thuẫn hay không trong công tác đề xuất dự án và khả năng bố trí vốn khi dự án có vốn thì chậm mà dự án cần vốn lại không có vốn. Việc này có bảo đảm nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hay không.

Bà Phạm Quỳnh Anh dẫn so sánh dự án nâng cấp Tỉnh lộ 9 tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng và công trình này kéo dài đã 13 năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, dự án Vành đai 3 giải phóng mặt bằng nhanh, chủ đầu tư phát huy được vai trò chủ động phối hợp với các đơn vị. “Vậy rút kinh nghiệm gì cho các dự án sau?” – bà Phạm Quỳnh Anh đặt câu hỏi.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng cần tính toán kỹ việc chuyển tiếp giai đoạn để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bởi có những dự án chuyển tiếp cũng khó thực hiện được.

Không để ngâm vốn

Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận sự nỗ lực của Ban Giao thông khi từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 có nhiều khởi sắc, một số dự án được khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng.

  • Nỗ lực lớn để giải ngân hơn 95% vốn đầu tư công năm nay

  • Chủ tịch TP HCM tiếp tục có chỉ đạo khẩn về đầu tư công

  • Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Tuy vậy, chưa hài lòng với tình hình thực hiện các dự án vì phần nhiều vướng và chậm, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông báo cáo chi tiết 162 dự án, trong đó phân tích rõ nguyên nhân và kèm giải pháp. Theo bà, nên xem lại cách khảo sát, đánh giá và đề xuất dự án để bảo đảm thực hiện hiệu quả khi bố trí vốn, trong đó có vốn ODA, để tránh tình trạng vốn thì nhiều, khởi công, động thổ rầm rộ nhưng tiến độ ì ạch.

Trong 162 dự án, có 27 dự án được đề xuất chuyển tiếp giai đoạn sau thì cần làm rõ và xem lại có bao nhiêu dự án chuyển liên tiếp 3 kỳ bố trí vốn đầu tư trung hạn vì hiện có ít nhất 6 dự án kéo 3 kỳ. Ngoài ra, 46 trường hợp vướng phải tập trung tháo gỡ vì không thể ngâm vốn nữa, gây lãng phí.

“Ban Giao thông khẩn trương rà soát điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án quá hạn. Đồng thời, chú ý thực hiện đúng thời gian các dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra tình trạng ngâm vốn dẫn đến dự án kéo dài phải điều chỉnh thời gian thực hiện” – bà Nguyễn Thị Lệ nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông tập trung nguồn lực để thực hiện dự án giao thông trọng điểm của thành phố, đặc biệt là dự án thành phần 2 đường Vành đai 3. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị Ban Giao thông chủ động phối hợp các sở, ngành và địa phương liên quan để giải quyết khó khăn, nhất là khó khăn về giải phóng mặt bằng.

“Phải đặt trách nhiệm của mình vào với địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn. Điển hình như cầu Long Kiểng nếu vừa qua Ban Giao thông không quyết liệt phối hợp để cùng tham mưu cho UBND thành phố thì làm gì có việc bàn giao mặt bằng 100% để tiến hành thi công và về đích trước 3 tháng. Đây là cách làm hiệu quả thì hà cớ gì những dự án khác không cùng vào cuộc với địa phương để tháo gỡ khó khăn” – bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TP HCM cũng lưu ý công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án kênh Hàng Bàng tại quận 5 và quận 6. Trong khi quận 6 còn 86 hộ chưa bàn giao mặt bằng thì quận 5 vẫn chưa triển khai. Năm nay mới có quyết định thu hồi đất thì giá bồi thường sẽ khác với mấy năm trước. Theo bà, đây là vấn đề cần bàn bạc để có giải pháp.

Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư khắc phục những hạn chế, bất cập vì hiện nay công tác phối hợp với Ban Giao thông còn trục trặc. “Các đơn vị xem còn gì bất cập, tự soi, tự sửa để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của thành phố” – bà Nguyễn Thị Lệ nói.

Sẽ giải ngân được

Theo ông Lương Minh Phúc, năm nay dự án của Ban Giao thông chiếm 50% vốn đầu tư công, nếu cộng luôn các nghị quyết vừa rồi của HĐND TP HCM thì có hơn 34.000 tỉ đồng. “Riêng Vành đai 3 hơn 25.000 tỉ đồng, chiếm 75% vốn này. Dự án Vành đai 3 vừa quan trọng và quyết định kết quả giải ngân. Với cách làm hiện nay, chúng ta tin tưởng sẽ giải ngân được” – ông Lương Minh Phúc thông tin.

Ông Lương Minh Phúc thông tin về nhiều dự án

Đối với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa được khởi công vào cuối năm 2022, ông Lương Minh Phúc cho biết trong tuần này sẽ xin giấy phép di dời hơn 100 cây xanh. Đồng thời, phối hợp với quận Tân Bình thực hiện công tác tháo dỡ, thanh lý công trình tại các đơn vị bàn giao đất cho dự án.


Bài và ảnh: QUỐC ANH