Bất ngờ người chỉ đạo xây công trình xâm hại thắng cảnh động Hồ Công

Sáng ngày 16-3, ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, cùng Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng đã tới động Hồ Công (di tích cấp quốc gia tại xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành liên quan nhanh chóng tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép bên trong động.

Ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa (áo xanh), tới hiện trường chỉ đạo xử lý việc xây dựng trái phép, xâm hại động Hồ Công

Theo ông Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc, ngay sau khi nắm được sự việc, Huyện ủy đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Lộc và UBND xã Ninh Khang tới hiện trường nắm bắt sự việc, đưa ra hướng xử lý. “Qua kiểm tra thì bên trong động có 9 pho tượng, 6 bệ được xây dựng bằng bê tông, lát đá bên ngoài… Sự việc đã rõ nên chúng tôi đã chỉ đạo yêu cầu tháo dỡ các hạng mục trên, trả lại nguyên trạng ban đầu cho di tích” – ông Thư nói.

Cũng theo ông Thư, qua xác minh thì người chỉ đạo xây dựng công trình là trụ trì chùa Thông (còn gọi là chùa Du Anh). Kể từ khi động được công nhận là di sản cấp quốc gia vào năm 2009, đây là lần đầu tiên động Hồ Công bị xâm hại.

Ông Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc (thứ 2 từ trái qua) chỉ đạo tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép bên trong động Hồ Công

Tháo dỡ các công trình trong động Hồ Công sáng nay 16-3

“Rất may là sự việc được phát hiện kịp thời để ngăn chặn, nên không ảnh hưởng tới di tích, nếu không khi việc xây dựng hoàn thành thì tháo dỡ sẽ rất khó khăn. Qua đây chúng tôi rất cảm ơn người dân, báo chí đã kịp thời phát hiện sự việc, giúp chúng tôi sớm vào cuộc ngăn chặn” – ông Thư nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên cho biết khi nhận được phản ánh, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhanh chóng có chỉ đạo Sở VH-TT-DL vào cuộc kịp thời. Ông Yên cũng cho rằng đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, các ngành chức năng và văn bản luật, thế nhưng thi thoảng đâu đó vẫn để xảy ra tình trạng này.

Hình ảnh các công trình xây dựng vi phạm trước khi được phát hiện

“Qua việc này chúng ta cần phải nhìn lại cách quản lý văn hóa, di tích và phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Nếu không có cái cách làm thực sự quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở thì câu chuyện rút kinh nghiệm còn phải nói với nhau rất nhiều. Đây là lần rút kinh nghiệm cuối cùng về vấn đề này, kể cả ngành văn hóa và huyện Vĩnh Lộc” – ông Yên chỉ đạo.

Cũng theo ông Yên, việc trùng tu, tôn tạo là cần thiết nhưng phải tuân thủ quy định, phải đúng bài, đúng sách, chứ không thể tùy tiện, tùy ý được, thậm chí có động cơ không trong sáng. “Với khối lượng xi-măng, gạch, đất đá như thế không thể nói họ làm thấm, làm trộm được mà chúng ta giờ mới phát hiện thì vẫn chậm, chưa sâu sát”- ông Yên nói.

Thắng cảnh động Hồ Công – di tích quốc gia trên núi Xuân Đài

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, thời gian gần đây trên động Hồ Công diễn ra tình trạng nhiều người tự ý đưa vật liệu vào động xây dựng, tu sửa và đưa nhiều bức tượng không rõ từ đâu vào trong động. Việc làm trên chưa được sự cho phép của bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào, đã xâm hại nghiêm trọng đến danh thắng quốc gia này.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Sở đã có văn bản yêu cầu tháo dỡ các bục, bệ đã xây, ốp gạch men; di chuyển, đưa toàn bộ hệ thống tượng, bát hương, di vật ra khỏi động Hồ Công, trả lại nguyên trạng mặt bằng, cảnh quan, không gian của di tích trong ngày 17-3.

“Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật… vào động Hồ Công khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả xử lý và đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 25-3” – ông Hồng nói.


Tuấn Minh