Bệnh viện Bạch Mai đề xuất dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Sáng 18-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai về công tác khám chữa bệnh, trong đó chú trọng bàn về tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh cho người dân.

Tại buổi làm việc, ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, nêu những khó khăn của bệnh viện trong bối cảnh nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế.

Ông Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Trần Minh

“Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ – làm mô hình mới, sau đó phải có báo cáo tổng kết, tốt sẽ nhân rộng, không tốt sẽ bỏ đi. Chúng tôi chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ. Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. 3 điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ, bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”- ông Hùng nói.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Điều này phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng tại buổi làm việc, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Theo ông Cơ, hiện bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng cao, 6.000 – 8.000 người/ ngày cá biệt lên đến hơn 9.000 người; bệnh nhân nội trú nội trú 3.500 – 4.000 ca bệnh/ngày. Bệnh viện gặp khó khăn trong khám chữa bệnh liên quan đến các máy móc, trang thiết bị, xét nghiệm, do các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hầu hết đều là máy liên doanh liên kết đang bị “đắp chiếu” do ảnh hưởng về tư pháp.

PGS Cơ cho biết 15 năm qua bệnh viện thực hiện liên doanh, liên kết, có thực hiện đặt máy. Với 27 dự án liên doanh, liên kết của bệnh viện, vừa qua khi Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra có 11 đề án chuyển cơ quan điều tra; các dự án liên doanh liên kết hầu hết đang dừng hoạt động.

Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra có văn bản đồng ý đưa các máy móc thiết bị y tế này hoạt động trở lại, nhưng các các máy này cũng đã hết thời hạn hợp đồng dù máy còn khá tốt. Ngoài ra, thanh toán bảo hiểm y tế còn vướng về quy định, do đó máy móc đắp chiếu, mà bệnh viện và người bệnh không có trang thiết bị chẩn đoán và điều trị.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Trần Minh

Không chỉ thiếu hụt trang thiết bị, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng phản ánh giá dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế thanh toán với bệnh viện hiện rất thấp, chỉ mới thanh toán 4/7 yếu tố, không thể cân đối và bù đắp các chi phí, trong khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính. Đồng thời, nguồn thu của bệnh viện mỗi năm giảm 2.000 tỉ đồng trong 2 năm chống dịch, hàng loạt khó khăn khiến thu nhập của các thầy thuốc, nhân viên y tế giảm sút.

“Hiện thuốc thiết yếu đang được khắc phục, nhưng hiện vẫn thiếu về phương tiện, và vật tư y tế tiêu hao. Việc khám chữa bệnh bị ảnh hưởng sâu sắc do thiếu trang thiết bị, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh”- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Trần Minh

Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ được 2 năm.

“Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cũng đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 bệnh viện đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính phủ”- Quyền Bộ Trưởng Y tế nói.

Bà Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy 2 bệnh viện cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.

“Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này – cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn”- bà Đào Hồng Lan khẳng định.

Trước đó, ngày 19-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/ NQ-CP về thí điểm tự chủ tài chính tài 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện Việt Đức. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 268/ QĐ- TTg ngày 17.2.2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021; Quyết định số 1423/ QĐ- TTg ngày 17-9-2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020-2022.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thí điểm, việc thí điểm tự chủ toàn diện Bệnh viện đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trước khi triển khai thí điểm toàn diện ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức cần hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục các tồn tại sau khi đánh giá triển khai tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai để đảm bảo hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh các bệnh viện ưu tiên chống dịch Covid-19 hiện nay, việc thí điểm nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến sự xáo trộn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.


D.Thu