Cách phòng và xử trí ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim sao cho hiệu quả?

Chương trình cũng tri ân ngành y, đội ngũ y – bác sĩ nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2023).

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về tim mạch và ung thư ở TP HCM, như:

– GS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115.

– BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ.

– BS Đặng Duy Phương, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Viện Tim TP HCM.

– BSCK2 Phan Tấn Thuận, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Ung Bướu.

– BS Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Các bác sĩ sẽ giải đáp, tư vấn cho bạn đọc Báo Người Lao Động nói riêng và người dân nói chung về tất cả các vấn đề liên quan đến những căn bệnh thời đại được quan tâm nhất hiện nay, là ung thư, đột quỵ (và nhồi máu cơ tim), trong đó chú trọng cách thức phòng bệnh và giải pháp xử trí khi có bệnh, hướng chữa trị, tiến bộ khoa học, chi phí điều trị, phân bổ tài chính… Phân tích, làm rõ thêm vì sao bệnh nhân ngày càng “trẻ hóa”…

Ung thư và đột quỵ tăng cao, có xu hướng trẻ hoá

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho biết năm 2020, toàn thế giới có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư; trong đó 49% số ca mắc mới và 58% số ca tử vong đến từ châu Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự báo đến năm 2030 sẽ có 21,7 triệu ca mắc mới, 13 triệu ca tử vong. Sự gia tăng này chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư năm 2020 đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), từ 164.671 ca vào năm 2018, lên 182.563 ca vào năm 2020. Ngoài ra, sau 2 năm, số người tử vong do ung thư từ 114.871 người lên mức 122.690 người, tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 quốc gia. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện tại, có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Cùng với đó, đột quỵ cũng tăng cao, theo Tổ chức đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi chiếm khoảng 25% số ca ghi nhận. Nhóm nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do thói quen xấu đang gia tăng, như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, thức quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… và đến gần hơn với đột quỵ.

Chương trình được tường thuật trên Báo Người Lao Động và các phương tiện xuất bản khác của báo. 

Mời bạn đọc đặt câu hỏi ở form đặt câu hỏi phía dưới và theo dõi phần tư vấn trực tuyến từ các chuyên gia.


Ng.Thuận