CLIP: Thông điệp của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dịp 50 năm hiệp định Paris

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 – 27-1-2023), nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức.

Thông điệp của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Nguồn: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tối 13-1, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris và chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và tưởng niệm ngày mất của 35 thanh niên xung phong.

Ngày 14-1, ở ngoại ô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với thành phố Verrières-le-Buisson tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định lịch sử mở đường cho tiến trình chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Nhân dịp này, 25 đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia đã tới Việt Nam tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris. Ngày 13-1, các đại biểu đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dự “Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức. Ngày 14-1, các đại biểu tham gia Trồng cây hòa bình tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội).

Nhân dịp này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, 1 trong 4 người ký tên vào Hiệp định Paris – đã gửi thông điệp tới sự kiện “Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 – Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai”

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu

Tại thông điệp, bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ rất vui mừng được gặp các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn là đại diện của phong trào hòa bình và đoàn kết quốc tế, ủng hộ Việt Nam đến Việt Nam tham dự kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris năm 1973.

Bà khẳng định Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao của nhân dân Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dẫn đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam. Đồng thời là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của thế giới to lớn chưa từng có đã buộc chính quyền Mỹ đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.

“Chúng tôi còn ghi nhớ những bạn Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ quên hàng triệu ngời ở khắp nơi trên thế giới đã bất chấp đàn áp, tù tội, tuần hành và biểu tình để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Tất cả sự đoàn kết và ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường cũng như trên bàn Hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go, khốc liệt.

Một lần nữa rất cảm ơn những người bạn, những người chiến sĩ hòa bình đòi công lý trên thế giới đã tham gia vào cuộc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước”- nguyên Phó Chủ tịch nước bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Bình mong những người bạn quốc tế vẫn duy trì tình cảm đó đối với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển.

Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber, Paris, Pháp. Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Xuân Thủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngày 25-1-1969, lần đầu tiên diễn ra đàm phán giữa bốn bên tham chiến để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam. Hội nghị bốn bên gồm đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khai mạc. Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ông Trần Bửu Kiếm.

Đúng 12 giờ 30 (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Kléber, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger ký tắt.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên: Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), William P. Rogers (Mỹ) và Nguyễn Văn Lắm (Việt Nam Cộng hòa).

Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là kết quả của quá trình đàm phán dài với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.


Dương Ngọc