Côn Đảo tồn đến hơn 70.000 tấn rác thải chưa được xử lý

Ngày 18-8, hội thảo Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã nhận được nhiều để xuất, góp ý của các chuyên gia môi trường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý lại đang quá tải, từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đến nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 920 tấn/ngày. Số rác này hiện được thu gom và chôn lấp trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. 

Riêng chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo hiện vào khoảng 11 tấn/ngày, được thu gom về Bãi Nhát để lưu giữ. Hiện Côn Đảo còn tồn khoảng hơn 70.000 tấn rác thải chưa được xử lý. 

Dự báo đến năm 2025, khối lượng rác phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 1.590 tấn/ngày.

Rác thải tại Côn Đảo chưa xử lý kịp, hiện đang được chất đống cao tại Bãi Nhát

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, BR-VT giảm tỉ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%. Đối với các khu vực nông thôn tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ. 

Đến năm 2030 sẽ là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Thạc sĩ Bùi Lê Thanh Khiết – Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TP HCM đã đưa ra giải pháp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo, đó là thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong khu vực công, khu vực tư nhân và khách du lịch về tiêu dùng hàng hóa và quản lý chất thải tại nguồn.

Hàng năm, ngoài lượng rác thải sinh hoạt, huyện Côn Đảo còn hứng chịu một lượng lớn rác thải từ đại dương trong đó có nhiều chai nhựa, ngư cụ

Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị trên địa bàn huyện không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hạn chế tối đa việc sử dụng phông nền banner nhựa tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. 

Đối với các hộ gia đình, trường học, doanh nghiệp, công sở và các ngành khác trên địa bàn huyện thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ngư dân không vứt bỏ ngư cụ và đồ nhựa chất thải ra biển. 

Đặc biệt, tại các khu du lịch, điểm du lịch, lưu trú du lịch, và các cơ sở dịch vụ du lịch khác không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần hoặc túi ni lông khó phân hủy. 

Bên cạnh đó, hệ thống thu gom chất thải tại Côn Đảo phải hiệu quả, phù hợp với hướng dẫn quản lý chất thải tại nguồn.

Về kinh nghiệm và giải pháp phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tỉnh, PGS. TS Phạm Hồng Nhật – Viện Nhiệt đới môi trường, chia sẻ công tác tuyên truyền cần được thực hiện liên tục và đồng bộ, tập trung vào các nội dung: chỉ rõ cho người dân các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác tái chế, rác khó phân hủy; tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi rác thải chưa được xử lý ra đường làng ngõ xóm, kênh mương tới sức khỏe cộng đồng, cảnh quan, môi trường; cách thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; các điểm chính về luật Bảo vệ môi trường, các quy định về phân loại và lịch thu gom rác thải, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm của cộng đồng, quy định về phí thu gom rác thải…

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần quan tâm và triển khai bố trí đồng bộ phương tiện thu gom, xử lý rác sau phân loại. Cùng với đó, phát huy vai trò của hợp tác xã môi trường hoặc tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn tổ chức thu gom trang bị các phương tiện thu gom và quy định thời điểm thu gom theo từng thôn, xã.


Bài, ảnh: Ngọc Giang