Công chức khó sống được bằng lương

Công chức mới vào cơ quan Nhà nước làm việc, thêm một số khoản phụ cấp, thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng; người công tác gần 30 năm, lương hơn 8 triệu đồng mỗi tháng. “Thua lương công nhân” – câu cửa miệng của nhiều cán bộ cấp xã, phường hiện nay.

Mệt mỏi chờ đủ tuổi hưu

Bà V.M.B – công chức văn phòng UBND một xã ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có hơn 27 năm công tác. Vào UBND xã làm việc từ năm 1995 với vị trí cán bộ văn phòng, hiện bà B hưởng lương hệ số 4,33, thêm một số khoản phụ cấp, tổng nhận hơn 8 triệu đồng/tháng. Bà B cho hay, gần trụ sở UBND xã nơi bà làm việc có 2 trường bậc trung học cơ sở. Trước đây, khi học hết cấp 1, con trai bà muốn thi vào trường dân lập nhưng do thu nhập không cho phép, bà chỉ cho con theo học trường công.

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bà B cho biết, cách đây chục năm, do địa bàn xã có nhiều diện tích chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang dịch vụ, khu đô thị, có thông tin nên bà gom tiền của anh em họ hàng mua bán để có thêm vốn liếng. Khi thị trường này bão hòa, bà B cùng bạn bè mở lớp dạy yoga, thuê nhà văn hóa xã làm địa điểm.”Lớp học túc tắc, mỗi tháng tôi có thêm dăm bảy triệu mua thức ăn cho con” – bà B cho hay.

Công chức UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa, TP.Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Dù đã gần đủ 30 năm công tác và chia sẻ “rất mệt mỏi” nhưng bà B cho biết bà quyết tâm làm đủ tuổi hưu để được hưởng lương hưu tối đa.

“Sống nhờ lương vợ”

Cũng là công chức tư pháp mới được tuyển dụng hơn 1 năm, làm việc tại 1 xã thuộc huyện ngoại thành Hà Nội, anh B.S.S nhận lương đại học hệ số 2,34, thêm 1 số khoản phụ cấp, mỗi tháng anh nhận hơn 3 triệu đồng.

Để có được vị trí việc làm như hiện tại, sau khi tốt nghiệp đại học, anh S phải làm một số công việc khác để có thu nhập, chờ cơ hội thi tuyển vào địa phương – quê anh. Đáng nói là để vượt qua cuộc thi này, anh S “đánh bại” hàng chục đối thủ, cuối cùng nhận mức lương bằng 1/3 so với khi còn làm công việc tự do.”Tôi làm vị trí pháp chế cho một công ty luật tại quận Ba Đình, lương gần 10 triệu đồng/tháng, nay vào biên chế, lương hơn 3 triệu đồng” – anh S nói.

May cho anh S, vợ anh là bác sĩ của một bệnh viện tư nhân, thu nhập cao nên cuộc sống gia đình 3 người khá thoải mái.”Chỉ vợ tôi vất vả, mỗi ngày đi gần 40km vào nội thành làm việc, tối tan ca phải 19g30 mới đến nhà” – anh S chia sẻ.Được hỏi về lý do vì sao chấp nhận mức lương công chức thấp, anh S viện dẫn nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân được làm đúng chuyên ngành đã học. Ngoài ra, anh cũng chia sẻ, việc anh trúng thi tuyển công chức xã khiến bố mẹ anh nở mày nở mặt.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), năm 2023 là thời điểm cần thiết, quan trọng để cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27. Trước tiên là phải thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm biên chế, bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách Nhà nước không gánh nổi để cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, phải tạo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, nếu không thì sẽ không cải cách được chính sách tiền lương.


QUỲNH CHI (Báo Lao Động)