Công ty kinh doanh hàng hiệu của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thu gần 3.700 tỉ đồng

Ngày 6-11, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch tập đoàn IPPG, cho biết doanh thu mảng thời trang của tập đoàn đạt tới 3.692 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng kỷ lục 97,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch).

Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 492,4 tỉ đồng, tăng 10,6% so với 9 tháng năm 2019. Điều này góp phần tạo ra dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh khỏe mạnh và ổn định, trong bối cảnh các nguồn tiền từ hoạt động vay đang có mức lãi suất tăng cao.

Tỉ suất lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 10,3%, với mức 379,3 tỉ đồng, cao nhất trong 4 năm qua.

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thu hàng tỉ đồng từ mảng kinh doanh thời trang hàng hiệu trong 9 tháng đầu năm nay

Một cửa hàng Rolex của IPPG ở Hà Nội. Tập đoàn IPPG thông qua 2 công ty thành viên ACFC và DAFC đang phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu đẳng cấp thế giới như Rolex, Cartier, Dolce Gabbana, Nike, Mango…

Mảng kinh doanh hàng hiệu này đóng góp hơn 35% doanh thu của cả tập đoàn, mỗi năm đều tăng trưởng mạnh trên 2 con số.

Cùng với việc mở rộng thêm thương hiệu và cửa hàng phân khúc cao cấp và trung cấp, IPPG còn đầu tư cho các dự án chuyển đổi số để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, đa dạng hóa kênh bán hàng, phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu người dùng. Trong đó có trang thương mại điện tử cho phân khúc hàng xa xỉ, hàng trung cấp, hệ thống báo cáo tự động thông minh; hệ thống kiểm kê hàng tồn kho tự động…

DAFC đã đưa về hai thương hiệu Montblanc và Christian Louboutin năm 2021. Trong khi ACFC cũng vừa đàm phán thành công hợp đồng phân phối thương hiệu lâu đời đến từ Mỹ Polo Ralph Lauren, dự kiến sẽ có hơn 10 cửa hàng trong 2 năm tới.


Thái Phương