Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết liệt, không có điểm dừng

Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can liên quan đến tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Điển trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực gây rúng động dư luận là vụ Việt Á và vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Riêng vụ Việt Á đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can, trong đó có ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương. Liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 39 bị can, trong đó có nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 12-1-2023. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 người; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương…Đáng chú ý, không chỉ những cán bộ, lãnh đạo bị xử lý, hàng loạt hàng loạt đại gia Việt đã bị khởi tố và xét xử vì liên quan đến những sai phạm.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn đang được triển khai một bài bản, kiên trì, kiên quyết và mạnh mẽ hơn. Điều này được khẳng định trong phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào dịp cuối năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ giữa “xây” và “chống”, xây dựng, hoàn thiện thể chế để “bịt kín” những “kẽ hở”, “lỗ hổng” với thực hiện các giải pháp phòng ngừa; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử thi hành án; giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, quyết liệt đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, phải xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm, không có vùng cấm không có ngoại lệ bất kể đó là ai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xấu, chống đối, cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là đấu đá nội bộ là phe cánh làm nhụt chí của những người khác.

Trong thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp lâu dài. Cùng với việc phát triển đất nước và quá trình xây dựng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi phức tạp, khó lường hơn, không chỉ diễn ra trong nước mà đã vượt ra phạm vi quốc tế; không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà ở cả khu vực ngoài Nhà nước; không chỉ có một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các nhóm lợi ích; không chỉ làm mất tiền, mất tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ và làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS, Công ty CP xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bình Thuận); vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2); vụ án xảy ra tại khóm 5 (phường Châu Phú An, TP Châu Đốc, An Giang).


Nguyễn Hưởng