CUỘC THI VIẾT “HƯƠNG VỊ TẾT”: Chả lạnh da heo, nhà nghèo cũng Tết

Chả lạnh da heo theo bao mùa Tết từ hồi mấy chị em tôi vẫn còn là những đứa nhỏ thơ dại cũng là món tủ của má tôi. Bởi cũng đã ăn qua nhiều nơi, những bó chả được làm từ nhiều người nhưng tôi không thấy có ai hay nơi nào làm ngon như má.

Chẳng riêng gì con gái tôi, đến như tôi đã đi nửa đời người vẫn còn thích mê cái món Tết “con nhà nghèo” như vậy. Dù bây giờ đời sống đã đỡ phần cơ cực, đã có chút điều kiện để thưởng thức nhiều món ngon mà ngày nhỏ chưa từng bao giờ được ăn, nhưng cứ hễ Tết là mấy chị em tôi lại thèm món chả lạnh da heo của má.

Cứ hễ Tết là mấy chị em tôi lại thèm món chả lạnh da heo của má.

Mà thiệt lạ, món này chỉ ăn đúng vào dịp Tết mới thấy ngon. Thi thoảng vào ngày giỗ quảy má cũng làm năm bảy bó để bắt mâm, nhưng mùi vị không sao giống được những khoanh chả của những ngày năm hết Tết đến.

Những năm tháng khó khăn, lo được miếng ăn thường ngày đã cực, nên thịt thà bánh trái nào dám mơ tới. Thương con, má đi chợ sớm bán từng ký dưa, bó cải, mót từng đồng bạc nhưng chỉ dám mua hàng ế chợ chiều.

Vài ký da heo, tai, mỡ sa thêm bạc nhạc là đủ cho má mừng húm khi được bạn hàng để lại với giá rẻ như cho. Để rồi từ mớ nguyên liệu nghèo nàn, má xắn tay vô làm món chả gói bao niềm thương nỗi nhớ.

Da heo và tai gân mang về được má cạo lông, làm sạch thêm lần nữa rồi đem ngâm nước muối pha loãng. Từ mớ mỡ sa bạc nhạc, má thẻo lại ít ỏi thịt váng thêm vào chả để kết dính hơn. Phần mỡ vụn được má thắng ăn dần. Và tóp mỡ cũng được cho vào keo dùng để rang với cơm hoặc đem kho quẹt là ngon hết ý.

Sau khi rửa da heo thật sạch và vớt ra để ráo, má tỉ mẩn xắt da thành từng miếng mỏng. Tôi sẽ giúp má tráng sơ chiếc chảo gang lâu không dùng bám bụi qua nước rồi úp ráo lên giàn.

Da và tai heo

Xắt da xong, má đập dập tỏi và hành tím phi trong mỡ cho thơm. Chờ tỏi vàng hơi má cho da cùng tai vào xào để da ra nhựa. Chính phần nhựa này giúp bó chả kết dính lại với nhau. Canh gần tắt lửa má nêm nếm bột ngọt mắm muối sao cho vừa ăn. Đợi nhấc xuống thì cho vào chảo nắm tiêu nguyên hạt.

Mỗi lần má lui cui xào chảo da heo, mấy chị em tôi lúc nào cũng chạy chơi gần chái bếp, rất thích cảm giác được má sai vặt, “mang cái thau dơ ra sàn nước”, “lấy cho má cặp bợ nhấc nồi”.

Để rồi chờ khi chảo da đã nguội, nhìn má múc từng muỗng thật thơm mùi gia vị cho vào túi nilon rồi dùng dây kiếng bó lại thật chặt, ánh mắt đứa nào đứa nấy hao háo, cứ trông cho Tết đến thật mau. Chả được bó xong, má đặt vào thùng xốp đá để làm lạnh.

Xào da và tai heo

Đúng 30 Tết, khi cắt từng khoanh chả tròn vình thoang thoảng mùi thịt mỡ miệng đứa nào cũng tứa nước. Cắn một miếng dai giòn sật sật đằm trong gia vị vừa ăn, tí chút lại nhai vỡ một hột tiêu cay xè hòa quyện vào nhau vậy mà cảm giác ngon miệng không thể nào tả được.

Bó chả nhà nghèo ít thịt nên bao giờ má cũng bó xiết để tránh mềm rã. Nhưng khi bó chả được cắt ra để má phân phát cho từng đứa thì chưa kịp rã chúng tôi đã ngoạm hết vèo. Tôi là chị lớn, bao giờ cũng ăn nhấm nháp nhẩn nha. Hai em ăn hết nhưng vẫn còn thèm, tẽn tò chạy đến xin chị.

Cầm miếng chả còn lạnh buốt trong tay, tôi cắn một miếng rồi lại truyền cho con ba, thằng út. Lớn lên từ những chia sẻ nên sau này mấy chị em càng biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Với chúng tôi, đó mãi là món quà vô giá.

Đều đặn như vậy, dù năm nọ có bận rộn cách mấy, má cũng tay xắt tay xào, bó chả. Đó là mùi Tết mà lũ con má luôn mong chờ. Tết nào vắng món chả lạnh da heo, thì dù có bao nhiêu món lạ thức ngon đều thấy mâm Tết nhàn nhạt, thiêu thiếu.

Chả lạnh da heo trên mâm cỗ Tết

Món chả lạnh da heo, về cách làm, thật chỉ giản đơn như vậy. Tôi đã nhìn má làm qua bao mùa Tết, dần dà được thêm nhiều thịt nạc đùi và lạp xưởng nhưng nhất nhất về mùi vị từ đôi bàn tay má vẫn là chưa từng đổi thay. Dường như tất cả tình thương vẫn ở lại chái bếp của má đầy lọ nghẹ, muội than. Má bó chả cùng là bó luôn những lắng lo, yêu dấu thắt vào thêm chặt.

Từng năm cuộc sống đã dần đủ đầy, thậm chí có thể nhìn vào bó chả lạnh da heo để biết được năm đó có phải là một năm thuận lợi, no ấm hay không. Chúng tôi thường nhìn vào đó để nhắc nhở mình: Chẳng có khó khăn nào mãi mãi. Vẫn có những niềm vui thật giản dị trong những ngày thiếu thốn mà mỗi lần nghĩ chúng tôi đều ngầm hiểu đó là suối nguồn nâng đỡ giúp mình sống mạnh mẽ hơn.


Kha Nguyên