Cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu”: Tình yêu thương của cô gieo niềm vui, sự sống

Tôi được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ ông bà nội ngoại, các bác và các anh chị em trong nhà đều hết lòng thương quý tôi vì tôi là con gái đầu lòng của bố mẹ, mà bố mẹ tôi lại là con út.

Cùng cô xây đắp kỷ niệm vui

Ông bà nội kể: “Bố cháu từ nhỏ đã chịu thiệt thòi vì năm lên 2 tuổi bị liệt một chân sau cơn sốt cao. Khi đó, ông bà sống ở miền núi, nhà nghèo không đưa bố cháu ra Hà Nội chạy chữa được, nên bố cháu phải chịu tật nguyền, ảnh hưởng cuộc sống, cố gắng học hết cấp III thì đi học nghề”.

Sau này kinh tế đỡ hơn, ông bà mua một ngôi nhà nhỏ gần đường cho bố làm nghề sửa xe máy. Nhìn bố cặm cụi suốt ngày với những bước đi khập khiễng mà tôi thương bố vô cùng. Mẹ tôi trước khi lấy bố tôi là nhân viên nhà bếp, nấu ăn cho sinh viên của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau tôi còn có một đứa em năm nay cũng vào trường chuyên với tôi.

Gia cảnh khó khăn nhưng chị em tôi được ông bà, bố mẹ chăm sóc chu đáo. Bố mẹ làm tất cả để chúng tôi được no đủ, an tâm học hành. Từ lớp mầm non đến tiểu học, chị em tôi được ông nội (đã về hưu) với chiếc xe máy cũ ngày hai buổi đưa đón đến trường. Lúc đó tôi thường hứa với lòng, mình phải học thật giỏi để cả nhà được vui và tôi đã làm được. Suốt cấp tiểu học, tôi luôn là học sinh giỏi.

Năm lớp 5, tôi được trường chỉ định làm liên đội trưởng. Cuối năm đó, tôi được chọn tham gia cuộc thi liên đội trưởng giỏi toàn tỉnh Thanh Hóa. Qua 3 vòng thi, tôi đã đoạt giải nhất, được Tỉnh Đoàn tặng giấy khen và được chọn đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh. Cả Trường Tiểu học Trường Sơn và ông bà, cha mẹ tôi đều vô cùng vui mừng.

Năm đó tôi được tuyển thẳng vào Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ của TP Sầm Sơn. Ước mơ được học tại trường chuyên thành hiện thực, tôi vô cùng sung sướng.

Tôi được xếp vào lớp 6A2 do cô Nguyễn Thị Hường làm chủ nhiệm. Ở trường chuyên này, giáo viên chủ nhiệm lớp nào thì theo lớp đến hết cấp. Tôi gắn bó với cô Hường và từ đây, cô thường dành cho tôi những tình cảm đặc biệt – vừa thân thương như người mẹ vừa nghiêm khắc trong học tập lại gần gũi, chan hòa ngoài cuộc sống. Biết nhà tôi nghèo, cô càng động viên tôi gắng học. Tôi mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo như cô.

Tôi lại được làm liên đội trưởng. Do có kinh nghiệm ở trường tiểu học nên khi chỉ huy Đội ở trường này tôi càng làm tốt hơn. Phong trào Đội của trường được Thành Đoàn đánh giá cao và xếp loại nhất trong phong trào hoạt động của khối nhà trường toàn thành. Cảm xúc dâng trào nhất của tôi là mỗi đầu tuần được chỉ huy đội trống, mặc đồng phục làm lễ chào cờ. Khi tôi dõng dạc hô và nhìn thầy cô cùng các bạn nghiêm trang ngước lên lá cờ Tổ quốc đang từ từ kéo lên đỉnh cột mà lòng vừa xúc động vừa tự hào.

Năm 2021 chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ của TP Sầm Sơn, Thành Đoàn về trường đề nghị cô Hường chọn một em đại diện cho đoàn thanh thiếu niên và nhân dân thành phố đọc lời chúc mừng đại hội. Cô Hường viết bài và cùng tôi tập luyện cách trình bày. Trong buổi lễ, tôi dẫn đầu đoàn thanh thiếu niên lên chúc mừng đại hội và đọc lời chúc mừng, toàn thể hội trường vỗ tay nhiệt liệt.

Đầu năm lớp 8, tôi được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa bình chọn là một trong 7 đội viên toàn tỉnh được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX. Tôi cùng đoàn được viếng Lăng Bác, được vào Phủ Chủ tịch và được dự đại hội tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, được gặp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi được cùng các bạn lên nhận bằng khen của Trung ương Đoàn do bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội – trao, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bắt tay, xoa đầu động viên và tặng quà.

Khi tôi về, cô Hường ôm chầm tôi, mắt rớm lệ, tôi muốn nói bao điều mà không được, chỉ muốn cô mãi truyền cho tôi tình cảm ấm áp. Đến bây giờ kỷ niệm vẫn đầy ắp.

Những hình ảnh của tác giả và cô giáo Nguyễn Thị Hường. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tình cô sâu sắc qua biến cố

Niềm vui chưa được bao lâu thì một biến cố ập đến!

Đó là buổi sáng 15-10-2021. Trên đường đến trường cùng các bạn trong đội văn nghệ của trường tập luyện các tiết mục chuẩn bị cho lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, gần sang hết đường, tôi bị một chiếc xe máy của 2 người say rượu tông thẳng vào.

Tôi văng lên vỉa hè, đầu bị vỡ 2 mảnh sọ. Thầy cô trong trường ùa ra, vẫy xe đưa tôi đến thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau này nghe mẹ kể lại, suốt buổi chiều tôi nằm trên bàn mổ, thầy cô và các bạn ôm nhau khóc tại phòng chờ của bệnh viện.

Bốn giờ phẫu thuật dài như vô tận!

Khi đưa tôi lên phòng hồi sức, bác sĩ khuyên mọi người về nhưng cô Hường nhất định không đi mà ở lại với bố mẹ tôi qua đêm. Nghe bác sĩ nói hy vọng sống của tôi chỉ còn 1%, cô càng khóc nhiều, mẹ tôi ngã gục trên ghế.

Sau 14 ngày được tiêm bằng những loại thuốc đắt tiền, buổi tối ngày thứ 15, tôi nhúc nhích được tay chân và từ từ mở mắt. Cả phòng nơi tôi nằm mọi người òa lên vui mừng.

Tôi nhận ra người đầu tiên đang nhìn tôi là cô Hường, cô mừng quá, khóc rưng rức, ai nấy xung quanh tôi mắt cũng đỏ hoe.

Sau 5 tháng điều trị tích cực tại các bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tôi phải tập đi vì chân phải bị ảnh hưởng. Điều kỳ diệu là mắt và giọng tôi không bị tổn thương, chỉ có hai bên thái dương bị lõm. Hai bên sọ phía sau khi chưa ghép bị xẹp hẳn xuống.

Ở trường, cô Hường đã vận động các bạn và phụ huynh giúp đỡ gia đình tôi, người ít, người nhiều đem đến giúp bố mẹ tôi 70 triệu đồng phụ giúp tiền thuốc men. Sau 3 lần mổ nữa tại Bệnh viện Việt Đức, việc ghép 2 mảnh sọ trên đầu tôi mới giúp tạm lành vết thương.

Tôi phải học lại lớp 8, lúc này cô Hường đã theo lớp lên chủ nhiệm lớp 9A2. Tuy cô không làm chủ nhiệm lớp 8 mà tôi học lại nhưng cô vẫn gần gũi, động viên và chăm sóc tôi như trước.

Cô thường giúp tôi học ôn tại nhà. Nhờ có cô mà sức học của tôi tuy giảm sút rất nhiều so với trước nhưng cuối năm lớp 8 tôi vẫn được xếp loại học sinh tiên tiến. Giờ đây, ước mơ làm cô giáo của tôi đành gác lại nhưng những kỷ niệm với cô không bao giờ phai nhòa trong cuộc đời tôi.

Cảm ơn cô, em yêu cô nhiều lắm! 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH



Lê Thanh Thảo (sinh năm 2005)