Đại biểu Quốc hội: Báo cáo của Chính phủ “thẳng thắn, không né tránh”

Ngày 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Nhiều kết quả quan trọng

Đánh giá cao các kết quả phát triển kinh tế – xã hội trong 9 tháng năm 2022, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2022 nước ta đã phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao về các kết quả phát triển kinh tế – xã hội trong 9 tháng năm 2022

“Việt Nam là một trong số quốc gia được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao việc phòng, chống dịch COVID- 19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch”- đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho hay.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng nêu rõ kết quả nổi bật trong năm 2022 là đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm. “Tuy còn khó khăn, hạn chế, nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. An ninh, quốc phòng được bảo đảm”- đại biểu Phương nhấn mạnh.

Nhấn mạnh báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế – xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023 đã thể hiện 12 thành quả nổi bật, chỉ ra 10 hạn chế, tồn tại, khó khăn; 6 bài học kinh nghiệm; 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đánh giá đây là báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám thảo luận tại hội trường ngày 27-10

“Điểm sáng đáng lưu ý đó là tăng trưởng kinh tế ước đạt 8% năm 2022, vượt mục tiêu đề ra là 6 – 6,5%; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, kiểm soát được lạm phát, thành quả giảm nghèo được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, chính trị – xã hội ổn định” – đại biểu Tô Văn Tám cho hay.

Theo ông Tô Văn Tám, khi nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, báo cáo Chính phủ có nêu, tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng, đây là một thực tế. Từ năm 2020 đến tháng 6-2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển tiếp, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Vị đại biểu cho rằng thực trạng này đặt ra vấn đề cho hoạt động quản trị của Chính phủ. Cũng theo ông Tám, nguyên nhân của hiện tượng này là vấn đề tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc. Thực tế cho thấy, tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài Nhà nước và thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập, bởi ràng buộc của các quy định pháp lý.

Từ đó, đại biểu Tám tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng này của Chính phủ và đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính.

Đồng thời, xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục các vấn đề trong công việc; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, cơ chế chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.

Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý. “Quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc”- đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị.

Tình trạng cán bộ sợ sai

Trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh đến tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý. “Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”- ông Nguyễn Hữu Thông nói.

Vị đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, nhưng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đối với một vấn đề, khi áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì lại sai, áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng khi kiểm tra ở thời điểm khác thì lại sai.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành từ năm 2021. Tuy nhiên chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật, nên các cán bộ còn e ngại, làm việc cầm chừng, không dám đột phá.

Do đó, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan rà soát sớm cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương để áp dụng trên thực tiễn.


Minh Chiến – Văn Duẩn