Đất tín ngưỡng cần phải bao gồm “từ đường, nhà thờ họ”

Đó là phát biểu của luật sư Nguyễn Văn Hậu, ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 22-2.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng loại bỏ “từ đường, nhà thờ họ” ra khỏi đất tín ngưỡng là không hợp lý.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Điều 204 quy định về đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng. 

“Chúng tôi cho rằng loại bỏ “từ đường, nhà thờ họ” không hợp lý và không tương thích với quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bởi lẽ nhà thờ dòng họ được xem là cơ sở tín ngưỡng theo quy định khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016. Trong khi đó, nội dung “đất rừng tín ngưỡng” chưa được định nghĩa tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bản thân dự thảo Luật Đất đai cũng không có giải thích cụ thể thế nào là “đất rừng tín ngưỡng”?” – luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng trong đất tín ngưỡng phải có “từ đường, nhà thờ họ”. “Dòng họ là nơi tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh nên tính toán cơ sở tín ngưỡng có hình thức này” – bà Võ Thị Dung nói.

Tránh thất thu ngân sách Nhà nước

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Ngoài ra, cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để sử dụng đất tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.


QUỐC BẢO