Dễ lây nhiễm giun sán từ thú cưng

Sáng 22-3, chia sẻ bên lề hội nghị về công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, cho biết đa số bệnh giun sán ở người có nguồn gốc từ vật nuôi và thú hoang dã.

Các bệnh giun sán ký sinh đã gây nhiều tác hại cấp tính cũng như lâu dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, phụ nữ tuổi sinh sản và sức khỏe người dân.

Vật nuôi có thể là trung gian truyền ký sinh trùng giun sán cho người

Ông Cảnh cho biết năm 2022, từ nguồn thuốc viện trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương đã cấp hơn 13 triệu viên thuốc và tẩy giun an toàn cho 13 triệu lượt học sinh tiểu học, trẻ em từ 24 đến 60 tháng tuổi, phụ nữ tuổi sinh sản tại 37 tỉnh, thành phố có tỉ lệ nhiễm cao.

Ngoài ra, Viện đã tiến hành điều tra, khám phát hiện và điều trị hàng chục ngàn bệnh nhân bị các bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, ấu trùng sán lợn, ấu trùng giun lươn, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng giun đũa chó mèo,… tại cộng đồng và tại bệnh viện.

Theo lãnh đạo Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, tại một số địa phương, người dân có tập quán ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh không nấu chín. Đây là những nguyên nhân gây bệnh sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn.

Bác sĩ Cảnh cho biết chó, mèo, chim… là những vật trung gian truyền bệnh cho người. Tại các cơ sở y tế cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc bệnh từ thú cưng, trong đó giun đũa chó và ký sinh trùng sán chó là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó mèo. Người mắc bệnh thường là vật chủ ngẫu nhiên, do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo, hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín.

Chuyên gia cảnh báo thói quen ăn gỏi, ăn thịt tái là nguyên nhân gây bệnh sán lá gan, sán lá phổi

Tuy nhiên, các chuyên cũng cảnh báo không phải ai nhiễm sán dây chó, giun đũa chó mèo đi khám cũng được chẩn đoán chính xác, mà bị chẩn đoán nhầm, điều trị nhầm kéo dài nhiều năm khiến bệnh tình chuyển biến phức tạp. “Người nhiễm giun đũa chó mèo thường có biểu hiện giống với nhiều bệnh da liễu như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó thở…, lâu dài có thể có tình trạng gan to, viêm phổi, đau bụng, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực… Tuy nhiên, không ít người đi khám thấy ở gan và phổi có u và nghĩ là ung thư nên không điều trị hoặc điều trị không đúng bệnh- ông Cảnh nói.

Để phòng bệnh, người dân hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác, định kỳ tẩy giun cho chó, mèo…

Loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam đã khống chế thành công dịch sốt rét và đặt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030. Năm 2022 dịch sốt rét đã được khống chế, số trường hợp bệnh sốt rét tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ các năm 2019 (giảm 90,2%), và năm 2020 (giảm 68%). Số trường hợp mắc sốt rét toàn quốc năm 2022 còn 455 trường hợp, 1 trường hợp tử vong, không có dịch sốt rét xảy ra. 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận loại trừ bệnh sốt rét.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, sốt rét còn diễn biến phức tạp ở ở một số tỉnh như: Lai Châu, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận, do tập quán đi rừng, ngủ rẫy. Cùng đó, sự sự giao lưu đi lại, người từ nước có bệnh sốt rét lưu hành trở về; ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; côn trùng kháng hóa chất, nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống sốt rét còn thấp… khiến công tác phòng chống sốt rét gặp nhiều khó khăn.


N.Dung