Đi thực tế, đại biểu HĐND giật mình với nhiều bảng quảng cáo

Sáng 10-11, khi đi khảo sát thực tế tại một số vị trí có bảng quảng cáo trên địa bàn quận 1, nhiều thành viên của Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP HCM “giật mình” vì các bảng quảng cáo cực lớn đặt trên các tòa nhà.

Các đại biểu HĐND khảo sát bảng quảng cáo tại vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng

Tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, chứng kiến những bảng quảng cỡ lớn áp trên các tòa nhà, chung cư, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP lo ngại những bảng quảng cáo này đã bít phần lớn mặt tiền nhà, có thể gây nguy hiểm nếu xảy ra sự cố cháy nổ. “Sắp tới các quy định về cho phép quảng cáo ngoài trời cần phải lưu ý” – ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ngã 6 Phù Đổng, đoàn khảo sát HĐND cùng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM khảo sát thực tế các trụ quảng cáo tại công viên Tao Đàn, công viên 23 Tháng 9.

Các đại biểu ghi nhận ngoài những trụ rõ địa chỉ quản lý là Sở GTVT và ở Xây dựng, nhiều trụ quảng cáo chưa rõ cơ quan quản lý.

Sau khi đi thực tế, đoàn làm việc tại Sở GTVT về công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của sở này.

Các bảng quảng cáo “khủng” tại vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng khiến các đại biểu giật mình

Thông tin về công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT, cho biết toàn TP có khoảng 4.734km đường trong đó Sở GTVT quản lý 1.428km.

Trên 1.428km đường này có hơn 970 trụ pano tuyên truyền cổ động chính trị, an toàn giao thông kết hợp quảng cáo thương mại nằm trong hành lang đường bộ được Sở GTVT thỏa thuận vị trí với các đơn vị lắp đặt.

Ngoài hơn 970 trụ trên còn có trụ quảng cáo của các đơn vị khác như Sở Xây dựng, các địa phương quản lý.

Các đại biểu HĐND TP HCM khảo sát các biển quảng cáo bên trong công viên 23 Tháng 9

Về nguồn thu quảng cáo từ các trụ này, đại diện Sở GTVT cho biết do đất hành lang giao thông nên Sở GTVT ký hợp đồng tạm không quá 6 tháng và gia hạn từng đợt. Đơn giá cho thuê đối với trụ quảng cáo có diện tích dưới 10m2 là 10 triệu đồng/trụ/năm, trên 10m2 là 15 triệu đồng/trụ/năm. Nguồn thu được nộp vào quỹ bảo trì đường bộ, cụ thể với 509 trụ cho thuê, sở đã nộp quỹ khoảng 30 tỉ đồng.

“Đây là phí cho thuê tạm thời đặt vị trí các trụ trên hành lang an toàn giao thông, không phải chi phí cho thuê quảng cáo. Sở GTVT cũng không quản lý nội dung quảng cáo và giá cho thuê quảng cáo. Do đó, thất thu là thất thu tiền quảng cáo, ví dụ quảng cáo cho cái bình, chai rượu này 10 đồng thì ai thu 10 đồng đó chúng tôi không biết, chỉ thẩm định việc đặt cái trụ để quảng cáo cái bình có vi phạm hành lang an toàn giao thông không”- ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT cho hay.

Tại buổi giám sát, đại diện Sở Văn hóa- Thể thao thông tin rằng sau khi có hồ sơ pháp lý của các bên liên quan thẩm định vị trí…thì sở này mới cấp phép. Tuy nhiên, để quản lý từng vị trí có trụ quảng cáo trên địa bàn thành phố thì không thể vì địa bàn rộng, nhiều đơn vị quản lý, cấp phép chồng chéo.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động quảng cáo trong trong ngày mai. Việc này để tránh thất thu nguồn tiền quảng cáo cũng như khai thác hiệu quả, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia quảng bá hình ảnh.


THU HỒNG