“Hàng độc” của Mỹ sẽ điều tra sự cố Nord Stream?

Đài CNN ngày 5-10 dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết như trên. Nếu Hải quân Mỹ tiến hành phân tích các bản ghi âm dưới nước trong quãng thời gian xảy ra “vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream ở biển Baltic” do Thụy Điển và Đan Mạch cung cấp, điều này sẽ thúc đẩy cuộc điều tra bằng cách cung cấp bức tranh chi tiết hơn về những gì xảy ra trong khu vực vào thời điểm đó. 

Theo 2 nguồn tin của CNN, nhiều quốc gia có khả năng xử lý âm thanh dưới nước nhưng Mỹ sở hữu hệ thống tiên tiến nhất. Những hình ảnh vệ tinh được chụp trước “vụ phá hoại” khó hỗ trợ cuộc điều tra vì trời nhiều mây.

Mạng lưới địa chấn quốc gia Thụy Điển (SNSN) cho biết họ đã phát hiện ra các vụ nổ khiến đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, mức độ hiệu quả trong việc phân tích các bản ghi âm phụ thuộc vào chất lượng của chúng. 

Mỗi loại thiết bị hoạt động dưới nước như tàu ngầm, ngư lôi và động cơ tàu đều tạo ra một âm thanh độc nhất được gọi là “ký hiệu sonar”. Mỹ nắm một thư viện phong phú về những âm thanh này.

Người phát ngôn của Hải quân Mỹ không xác nhận họ đang đề nghị phân tích các bản ghi âm vừa nêu nhưng tuyên bố sẵn sàng trợ giúp cuộc điều tra.

Mạng lưới địa chấn quốc gia Thụy Điển (SNSN) cho biết họ đã phát hiện ra các vụ nổ khiến đường ống Nord Stream bị rò rỉ. Giới chuyên gia cho rằng SNSN có thể chia sẻ các bản ghi âm này với Mỹ để xử lý nhưng bản ghi địa chấn không giống như bản ghi sonar chất lượng cao.

Quân đội Thụy Điển đã cử nhiều tàu đến khu vực xung quanh đường ống Nord Stream bị rò rỉ để hỗ trợ cuộc điều tra. Ông Philip Simon, người phát ngôn Lực lượng vũ trang Thụy Điển, nói với CNN rằng ít nhất một trong số những con tàu đó, tàu cứu hộ tàu ngầm mang tên HMS Belos, có khả năng ghi âm chất lượng cao dưới nước. 

Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách đề phòng những cuộc tấn công tiềm tàng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ trong tương lai. Washington đã phối hợp với các đồng minh để tăng cường giám sát và theo dõi cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm cả các đường ống ở biển Baltic.


Phạm Nghĩa