Hình ảnh xót xa ở dự án nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Việt Nam

Có mặt tại Nông trại hữu cơ Nhất Thống Đắk Lắk (thương hiệu Everyday Organic) tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống (TP HCM) mới đây, chúng tôi không khỏi xót xa khi dự án nông nghiệp hữu cơ điển hình của cả nước đang bị hoang hóa.

Vườn chuối hữu cơ của trang trại Nhất Thống không được chăm sóc

Hệ thống nhà lưới với suất đầu tư lên đến 6 tỉ đồng/ha đang bỏ không, các công nhân đang xử lý cho bớt cỏ chứ không đưa vào sản xuất; vườn chuối hữu cơ không chăm sóc vì nhà sơ chế, đóng gói chuối chưa hoàn thiện chưa thể xử lý chuối nếu thu hoạch; đàn bò dự kiến nuôi 600 con hiện chỉ có 100 con ăn cỏ tự nhiên trong dự án.

Quy mô đàn bò mới đạt 1/6 kế hoạch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, đây là dự án nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Việt Nam hiện nay với diện tích 275 ha, đạt chứng nhận hữu cơ của châu Âu, Mỹ, Nhật.

Hệ thống tưới nước tự động trong nhà màng đang để không

  • Phát triển tam nông ở TP HCM: Những trang trại siêu sạch trên “đất vàng”

  • Trồng rau hữu cơ trên “đất vàng”

Ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống, cho biết khoảng tháng 9-2019, công ty ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Cao su Đắk Lắk (Dakruco – 98,7% vốn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk), bản chất là thuê đất để xây dựng nông trại hữu cơ theo mô hình tuần hoàn cho 3 nhóm sản phẩm: rau củ, trái cây và thịt, trứng.

Ban đầu, công ty nhận quỹ đất trống, sau đó đầu tư khoảng 130 tỉ đồng để phát triển trang trại, lúc cao điểm tạo việc làm cho 250 lao động người đồng bào tại địa phương.

Ông Phạm Hữu Thời xót xa khi hệ thống nhà màng đầu tư bài bản đang phải bỏ không

Thế nhưng, từ tháng 8-2021 đến nay, trang trại phải tạm ngưng hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp, gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân do đối tác là Dakruco bị thanh tra và kết luận thanh tra cho thấy Dakruco sai phạm khi lấy đất đi thuê của nhà nước theo hình thức trả tiền hằng năm để cho thuê lại.

Ngoài ra, ông Thời còn phát hiện vị trí dự án trang trại hữu cơ trước đó đã bị Dakruco đem thế chấp ngân hàng (bao gồm tài sản hình thành trên đất) trong khi đất giao của Nhất Thống là đất sạch. Điều này có nghĩa tài sản 130 tỉ đồng của Nhất Thống bỗng nhiên trở thành tài sản đảm bảo cho khoản vay của đối tác.

Khi không xử lý đất kịp, cỏ dại mọc đầy trong nhà màng

Với mong muốn được tiếp tục dự án nông nghiệp hữu cơ, Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư thuê đất trực tiếp từ UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng chưa được chấp thuận.

Máy lấp cỏ, một trong những thiết bị đang được vận hành tại dự án

Khu vực ươm rau bỏ không

Dưới góc độ quản lý ngành nông nghiệp địa phương, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận đây là một dự án nông nghiệp hữu cơ điển hình và đúng định hướng.

“Rất tiếc là quá trình liên doanh phát triển dự án có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật khiến dự án phải hoạt động cầm chừng, gây sự lãng phí lớn. Nhất Thống và Dakruco cần có thiện chí ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vướng mắc” – ông Dương nêu.

Cũng theo ông Dương, hiện rất khó tìm được vị trí đất nào có diện tích tập trung và không bị ô nhiễm hóa chất để làm nông nghiệp hữu cơ như dự án trên nên rất được cần tạo điều kiện để dự án được triển khai thuận lợi, phát huy hiệu quả.

Do đó, ông Dương cho rằng nếu UBND tỉnh Đắk Lắk thấy cần có một dự án nông nghiệp hữu cơ có quy mô lớn, có hiệu quả thì việc thu hồi đất (hoặc Dakruco trả lại đất) tại vị trí trên là phù hợp với quy định của pháp luật, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp.

Sau khi thu hồi đất sẽ tổ chức đấu thầu dự án, nếu đơn vị trúng thầu là Công ty Nhất Thống sẽ tiếp tục thuê đất để thực hiện. Conđơn vị khác trúng thầu sẽ trả lại phần đã đầu tư cho Công ty Nhất Thống trên cơ sở xác định rõ giá trị đã đầu tư.


Bài và ảnh: NGỌC ÁNH