Không ngành công nghiệp văn hóa nào có thể cạnh tranh với công nghiệp điện ảnh

Chiều 10-5, trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF I), UBND TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh – Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”.

Hội thảo với 2 phiên nhằm nêu bật vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh, tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương và chia sẻ kinh nghiệm trong nước, quốc tế về xây dựng môi trường làm phim tại Đà Nẵng.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh – Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”

Theo ông Stephen Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), ngành công nghiệp điện ảnh rất tiềm năng. Một nghiên cứu gần đây tại Úc chỉ ra đầu tư vào công nghiệp phim có tỉ suất hoàn vốn rất lớn, lên đến 5,99 USD cho 1 USD đầu tư.

Ông Jenner cho biết không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn có doanh nghiệp nhỏ tham gia hoạt động sản xuất phim. Từ đó, lợi nhuận mới sẽ được bơm vào cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương. “Đà Nẵng đang phát triển đa ngành văn hóa và tôi nghĩ không ngành công nghiệp văn hóa nào có thể cạnh tranh với công nghiệp phim. Chính quyền Đà Nẵng nên nghĩ về tầm nhìn chiến lược cho việc phát triển, kêu gọi làm phim để phát triển kinh tế địa phương” – ông gợi ý.

“A tourist’s guide to love” (tựa Việt: Bí kíp tình yêu của một du khách) giới thiệu một phân cảnh quen thuộc tại TP HCM (Ảnh: Netflix)

Trong khi đó, ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công của Netflix Nhật Bản, cho rằng một bộ phim có bối cảnh đẹp sẽ khiến du khách phải “thèm thuồng”, muốn check-in, du lịch ngay địa điểm đó. “Bộ phim “A tourist’s guide to love” (tựa Việt: Bí kíp tình yêu của một du khách) chiếu trên Netflix được lấy bối cảnh tại Việt Nam, qua đó thể hiện được vẻ đẹp Việt Nam cũng như hoạt động về đời sống hằng ngày của người Việt. Điều này đúng với tiêu chí của Netflix là mang địa phương đến toàn cầu. Mạng lưới phát hành phim này rất quan trọng, sẽ trở thành cầu nối của vùng này với phần còn lại của thế giới” – đại diện Netflix Nhật Bản nhìn nhận.

  • “Phong hậu” Moon So ri sải bước trên thảm đỏ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng

Theo ông Sugihara, ngoài hiệu ứng du lịch, một bộ phim chuyên nghiệp khởi quay tại địa phương sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng phụ trợ. Doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng sẽ được lợi khi học hỏi được cách làm chuyên nghiệp của các đoàn làm phim đẳng cấp quốc tế khi chọn địa phương ấy làm nơi lấy bối cảnh.

Thay mặt địa phương, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định điện ảnh là một kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của thành phố, góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch. “Đà Nẵng đã có những quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Đó là lý do Đà Nẵng quyết tâm tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất và luôn chào đón các đoàn làm phim trong, ngoài nước khảo sát, lựa chọn Đà Nẵng là bối cảnh quay phim” – bà Yến bày tỏ.

  • Làm phim từ gọi vốn cộng đồng

Để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA, nhìn nhận dù Luật Điện ảnh 2022 đã có nhiều điểm mới – trong đó cho phép địa phương thành lập hội đồng thẩm định, cấp phép cho tác phẩm điện ảnh chiếu phục vụ liên hoan phim – nhưng vẫn cần sớm có những thông tư hướng dẫn việc thẩm định để cơ chế đi vào đời sống.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng Luật Điện ảnh 2022 cần cụ thể hóa hơn nữa qua các nghị định để vừa đúng luật vừa tạo hấp dẫn cho các đoàn làm phim nước ngoài. Theo ông, các nước như Thái Lan, New Zealand, Úc… và đặc biệt là Pháp, Mỹ luôn áp dụng ưu đãi rộng rãi cho các đoàn làm phim.

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF I) là nỗ lực của Đà Nẵng trong việc kêu gọi quảng bá hình ảnh thành phố qua ngành công nghiệp điện ảnh

Ông Tú dẫn chứng: “Thái Lan miễn thuế thu nhập cá nhân cho diễn viên điện ảnh trong 5 năm ở lại nước này, chiết khấu đến 15% cho các đoàn làm phim, trừ 5% thuế để thưởng cho đoàn làm phim vì thuê nhân công tại Thái Lan. Ở Việt Nam, các điều luật điện ảnh được đưa vào nhưng các chính sách giảm, ưu đãi thuế vẫn chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, mỗi địa phương bằng quy chế riêng có thể khuyến khích từng đoàn làm phim đến với mình”.

  • Tranh cãi về làm phim chân dung, tiểu sử

  • Không dễ làm phim về ngành nghề

Nhiều đại biểu cho rằng nhiều đoàn làm phim nước ngoài ngại đến Việt Nam vì sợ một số rủi ro, như giấy phép. Các cấp chính quyền cần tạo thuận lợi nhiều hơn cho các đoàn làm phim nước ngoài.

Theo bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có sự quan tâm đến việc phát triển điện ảnh quốc tế, ưu tiên tổ chức và cá nhân phát triển bình đẳng, hướng đến xã hội hóa. Theo đó, Việt Nam mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, khách quan.

“Các doanh nghiệp nước ngoài có những ưu đãi, như không cần phải thẩm định toàn bộ kịch bản khi quay phim tại Việt Nam. Luật cũng đã có phần quan trọng nhất là ưu đãi về thuế. Như vậy đã khá cởi mở nhưng vẫn cần có thêm chính sách mới để xây dựng nên điện ảnh địa phương một cách hiệu quả, phát triển bền vững” – bà Dung nhận định.

Đoàn làm phim khổ sở vì giấy phép con

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, cho rằng đoàn phim cần rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền. Đơn cử, chỉ cần 1 ngày quay 2 bối cảnh thì riêng chuyện xin phép đã rất vất vả. “Tôi mơ đến một lúc nào đấy, nhà làm phim sẽ được chính quyền cử một cơ quan để hỗ trợ các giấy phép đó. Luật Điện ảnh đã có chính sách hỗ trợ. Cách hỗ trợ thiết thực là việc trong tầm tay của UBND các địa phương” – bà Hạnh nhận xét.


HẢI ĐỊNH