Kiểm tra, đánh giá thế nào khi ChatGPT đang “thay thế” việc học của sinh viên?

Các khách mời chia sẽ về ChatGPT

Ngày 23-2, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Tầm ảnh hưởng của ChatGPT trong kinh tế và giáo dục” với sự tham dự của gần 100 sinh viên. Tại đây, sinh viên được các khách mời chia sẻ về ChatGPT.

Tại chương trình, TS Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên hệ thống thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP HCM) đã chia sẻ về cơ chế hoạt động của ChatGPT cũng như những khả năng của nó như khả năng sáng tạo nội dung rất tốt, có khả năng tóm tắt văn bản, dịch thuật, giúp con người nâng cao năng suất làm việc… Hạn chế của ChatGPT hiện nay là có thể trả lời sai, không trích dẫn nguồn tham khảo nên không thể dùng để làm căn cứ, cần kiểm chứng, ChatGPT mới cập nhật thông tin đến năm 2021…

Ông Lê Thanh Trang, nhà sáng lập ATX Vietnam- chuyên gia công phần mềm ERP, mobile app, website đánh giá ChatGPT cho ra kết quả rất nhanh, nên không mất nhiều thời gian hoàn thành công việc. Vì vậy, nó có khả năng hỗ trợ đắc lực công việc cho con người giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân sự ở hầu hết mọi lĩnh vực.

Đông đảo giảng viên, sinh viên của Trường ĐH Hùng Vương TP HCM theo dõi

Sau khi nghe các khách mời chia sẻ, nhiều sinh viên tỏ ra lo lắng liệu ChatGPT có lấy mất công việc? Sinh viên cần trang bị những gì? liệu con người có bị phụ thuọc vào ChatGPT? Giảng viên có cách nào mới trong đánh giá sinh viên khi chính ChatGPT cũng có thể hỗ trợ sinh viên trong thi cử…?

TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng ChatGPT giúp con người nâng cao năng suất làm việc – đây là mối nguy cho những ai không chịu học hỏi. Khi máy tính ngày càng giỏi, để kiểm soát nó mình phải giỏi hơn, phải biết cách sử dụng… Người biết nhiều kỹ năng sẽ làm việc nhanh hơn, có nhiều thời gian để làm các việc khác. Trong khi đó, ông Lê Thanh Trang cũng cho rằng ChatGPT giúp thay đổi cách thức chúng ta làm việc để nâng cao hiệu suất lao động. Khi AI (trí tuệ nhân tạo) len lỏi vào đời sống, công việc thì cách làm việc của con người phải thay đổi. Trong tương lai khi ChatGPT trả lời chính xác hơn thì con người có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định thì có thể thay thế nhiều người.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, cho rằng cần đón nhận ChatGPT ở cả 2 chiều ưu điểm lẫn hạn chế. Vấn đề là cách chúng ta tiếp cận như thế nào, cách sử dụng nó và thái độ như thế nào. Ngày nay, khi công nghệ giúp ích cho công việc rất nhiều thì người lao động cần nhiều kỹ năng để có thể khai thác hiệu quả.


Tin, ảnh: H. Lân