Kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp: Tổng Lãnh sự Pháp rất vui được sống ở Việt Nam

. Thưa bà, hai nước cần chú trọng tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực nào và có những bước đi cụ thể nào?

 – Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser: Như tôi đã đề cập, nước Pháp và Việt Nam có quan hệ rất dày đặc trong nhiều lĩnh vực và chúng tôi hy vọng rằng quan hệ này sẽ được phát triển và tăng cường trong mọi lĩnh vực có thể. Chúng tôi hy vọng có thể triển khai nội dung Tuyên bố chung của hai nước ngày 5-11-2021 được ký kết nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Hai bên đã thông qua một số lĩnh vực hợp tác ưu tiên như: giao thông vận tải bền vững, chuyển dịch năng lượng, hàng không và đặc biệt là không gian. Vì vậy, chúng tôi hy vọng có thể tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực này. Về các biện pháp cần thực hiện, tôi xin lưu ý rằng Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do năm 2020, ngay tâm điểm dịch.

Chúng tôi rất vui mừng và hài lòng vì hiệp định này đã được triển khai vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan đến thuế quan, công cụ tiếp cận thị trường và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tất cả những chủ đề này đều mang tính then chốt nếu chúng ta muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài từ cả hai phía.

Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser đã có buổi phỏng vấn riêng với Báo Người Lao Động. Ảnh: Quốc Thắng

Tôi cũng hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam thể hiện rất rõ mong muốn tiếp tục huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đó là một điều tuyệt vời và dĩ nhiên chúng tôi cũng vui mừng về điều đó. Chỉ là nếu muốn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Pháp, cần đảm bảo cho các lãnh đạo doanh nghiệp có thể đến định cư trong những điều kiện tốt nhất và nhất là tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực và giấy phép lao động để họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Cũng cần phải tạo điều kiện cho con em họ theo học tại các trường quốc tế. 

May mắn là chúng ta có nhiều trường Pháp ở Việt Nam và chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể hỗ trợ để đội ngũ nhân viên, nhất là giáo viên, có thể được cấp thị thực và giấy phép lao động mà không gặp trở ngại.

Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser

. Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương là lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ hai nước Pháp – Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch, liệu Pháp có tạo điều kiện, tăng cường hoạt động giao lưu hoặc di chuyển giữa người dân hai nước không?

– Đối với chúng tôi, quan hệ giữa hai nước trước tiên là quan hệ giữa người và người và hiển nhiên, việc có thể du lịch sang nước kia là cách tốt nhất để tìm hiểu và khám phá văn hóa, phong cách sống và tư duy khác. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là có thể thúc đẩy giao lưu giữa thế hệ trẻ, giữa các doanh nhân cũng như giữa các địa phương của hai nước.

Tháng 2 vừa qua, nguyên Thủ tướng Pháp và đương kim Thị trưởng Thành phố Le Havre, ông Édouard Philippe, đã đến Việt Nam. Thành phố Le Havre, nơi có một trong những hải cảng chính của châu Âu, nhiều trường đại học lớn và các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực hàng hải, logistics và cảng biển, mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam để tăng cường trao đổi nhân lực và kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực cảng biển.

Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser đã có buổi phỏng vấn riêng với Báo Người Lao Động. Ảnh: Quốc Thắng

Đây là một ví dụ mà tôi đưa ra để chứng minh sự quan tâm của các địa phương Pháp trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các tỉnh thành của Việt Nam. Chúng tôi rất coi trọng điều này và giữa tháng 4 này, Hà Nội sẽ đăng cai Hội nghị hợp tác phi tập trung Việt Nam-Pháp, đây là cơ hội để quy tụ những cá nhân và tổ chức tham gia vào tiến trình trao đổi này, giữa các địa phương của hai nước.

Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa các thành phố và các tỉnh. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự giao lưu thường xuyên với Thành phố Lyon, qua đó đã thực hiện chiếu sáng một số công trình ở đây, theo mô hình lễ hội ánh sáng mà Lyon tổ chức vào tháng 12 hằng năm.

Quả thật đại dịch đã làm chững lại các mối giao lưu giữa nhân dân Pháp và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng lượng du khách và doanh nhân sẽ tăng trưởng trở lại và thậm chí vượt mức trước đại dịch. Chúng tôi đã khôi phục toàn bộ chính sách thị thực đi Pháp để tạo điều kiện cho du khách và doanh nhân Việt Nam có thể đến với đất nước xinh đẹp của chúng tôi. Tôi xin lưu ý rằng trong thời gian đại dịch, chúng tôi không hề ngưng cấp thị thực cho sinh viên Việt Nam mong muốn du học tại Pháp. Họ được hưởng ưu đãi như sinh viên Pháp, nhất là các bữa ăn giá rẻ và các tiện ích khác. Chúng tôi rất vui mừng vì mọi việc có thể tiếp diễn và hy vọng rằng điều đó sẽ được tăng cường và quan hệ giữa nhân dân, cũng như giữa các địa phương hai nước sẽ phát triển trong năm 2023 và sau này.

. Bà đã quen với phong cách sống và nền ẩm thực của Việt Nam hay chưa?

– Tôi may mắn đã sống ở Việt Nam và đặc biệt là TP HCM một năm rưỡi, trải qua hai cái Tết ở đây. Nhờ đó tôi đã có cơ hội khám phá các phong tục ngày Tết và truyền thống Việt Nam nói chung. Tôi cũng đã có dịp đặt may hai bộ Áo dài bởi một nhà thiết kế Việt Nam tên tuổi và có cơ hội mặc chúng vào các dịp chụp ảnh thường niên cùng toàn thể nhân viên Tổng Lãnh sự quán. Tại Tổng Lãnh sự quán, chúng tôi cũng tôn trọng một số phong tục Việt Nam và rất vui có thể làm được điều đó.

Tôi rất vui được sống nơi đây. Đối với người phương Tây, khám phá ẩm thực Việt Nam luôn là một điều mới lạ. Tôi đặc biệt thích món Phở và Mì Quảng. Tôi luôn thích thú khi được ăn theo phong cách Việt Nam. Ngoài ra, tôi hy vọng rằng sẽ cũng với chồng có cơ hội được khám phá Việt Nam nhiều hơn và nhất là các tỉnh nằm ở phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng tới. Đó là một trong những mục tiêu chính của chúng tôi.

. Bà có đôi điều chia sẻ với độc giả báo Người Lao Động và lời chúc cho những sự kiện đã được lên kế hoạch nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt?

– Tôi muốn chia sẻ với độc giả sự quan tâm của chúng tôi trong việc phát triển mọi quan hệ hợp tác với những người bạn Việt Nam. Chúng tôi hy vọng có thể tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm này ở nhiều địa điểm và với nhiều người Việt Nam nhất có thể. Chúng tôi hy vọng rằng năm Quý Mão này sẽ cho chúng tôi cơ hội để thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ này. Tôi cho rằng con Mèo đồng nghĩa với tham vọng, tài năng và thành công. Đó là tất cả những lời chúc mà tôi muốn dành cho quý độc giả cùng mối quan hệ giữa hai đất nước xinh đẹp của chúng ta trong năm nay.

. Cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!


Xuân Mai