Liên kết với TP HCM, du lịch ĐBSCL phục hồi mạnh

Sáng 16-12, UBND TP HCM phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tổng kết “Chương trình liên kết hợp tác du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022”. Hội nghị có sự tham gia của bà Phan Thị Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM – cùng lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL; các sở du lịch – văn hóa – thể thao và du lịch của 14 tỉnh, thành cùng gần 200 đại biểu.

Phát huy vai trò trung tâm TP HCM

Tháng 12-2019, UBND TP HCM và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết qua hơn 3 năm triển khai, chương trình từng bước lan tỏa và mang nhiều kết quả tích cực, ngành du lịch của TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL dần phục hồi. Ước đến cuối năm, tổng số khách đến ĐBSCL là hơn 44 triệu lượt (tăng 201,2% so năm 2021). Trong đó, khách lưu trú là gần 12 triệu lượt (tăng gần 139%), doanh thu du lịch vùng ĐBSCL ước đạt 33.977 tỉ đồng (tăng 216,9%).

Ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) du lịch vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng: “Sau thời gian thực hiện chương trình liên kết hợp tác về du lịch giữa TP HCM và ĐBSCL, thông tin về ĐBSCL được mở rộng cho DN, giúp DN định hình sản phẩm du lịch kết hợp các sản phẩm sẵn có tạo sự đa dạng. Đây là tín hiệu đáng mừng” – ông Châu khẳng định.

Đại biểu tham quan gian trưng bày tại hội nghị tổng kết “Chương trình liên kết hợp tác du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022”

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch số 840/KH-UBND về triển khai chương trình liên kết hợp tác du lịch nói trên. TP HCM đã phối hợp các tỉnh, thành ĐBSCL và công bố 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm, gồm: Tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” kết nối TP HCM – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; tuyến “Non nước hữu tình” kết nối TP HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh; tuyến “Sắc màu vùng biên” kết nối TP HCM – Tiền Giang – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang.

Từ 3 trục tuyến du lịch trên, DN du lịch, lữ hành của TP HCM đã xây dựng hơn 70 chương trình du lịch từ TP HCM đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong năm 2022, các DN du lịch, lữ hành tại TP HCM đã đưa hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch về ĐBSCL. Riêng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) là đơn vị thành viên trong chương trình liên kết vùng, đã tổ chức khảo sát 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay… Qua đó chào bán 3 sản phẩm liên tuyến với các tên gọi phù hợp với bản sắc của mỗi sản phẩm và đặc trưng của khu vực sông Mê Kông.

“Saigontourist Group đã phối hợp hỗ trợ hàng chục hội nghị, sự kiện, tổ chức đào tạo hàng trăm học viên, khai thác hàng chục sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng bá tiếp thị trong nước và quốc tế cho các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như khai thác phục vụ hàng chục lượt khách đến ĐBSCL” – ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Saigontourist Group, thông tin.

Cần vì cái chung

Ông Trương Đức Hùng cũng chỉ ra một số tồn tại trong ngành du lịch tại ĐBSCL. Đó là các điểm khảo sát còn khá mới, hạ tầng dịch vụ còn thiếu; nguồn nhân lực và một số điểm dịch vụ chưa đồng bộ nên chưa thể khai thác ngay. Bên cạnh đó, thông tin về các điểm du lịch còn ít.

Tương tự, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, đề xuất cần nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông các tuyến đường cao tốc kết nối TP HCM – ĐBSCL và khẩn trương xây dựng cầu Đại Ngãi kết nối Trà Vinh – Sóc Trăng để khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch mới. Song song đó là mạnh dạn đưa thí điểm dịch vụ giải trí đêm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch để du khách có thể tiêu tiền.

Bà Phan Thị Thắng cho biết khi lãnh đạo các tỉnh ngồi lại với nhau đều thấy rằng giữa các tỉnh không nên có sự cạnh tranh giữa những sản phẩm na ná nhau, giống nhau mà phải cùng nhau chăm chút cho địa phương đó. Phó Chủ tịch UBND TP HCM nêu ví dụ như chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ rất nổi tiếng, trong khi nhiều địa phương khác cũng có sông nước, như vậy có nhất thiết tỉnh nào cũng có chợ nổi hay không?

Bà Thắng gợi ý trong những sản phẩm du lịch đồng dạng cũng cần phân ra cho những lứa tuổi. Chẳng hạn như đi qua khu cù lao, giới trẻ cần sự khám phá thì đưa đến tỉnh nào và những khu vực nghỉ dưỡng cho người già có những chương trình nhẹ nhàng, thể dục, tận hưởng không khí, thì tỉnh nào nên phát huy lợi thế. Sau đó tổng hợp những nội dung đó lại để liên kết nhằm cạnh tranh với các điểm ở các nước Đông Nam Á .

“Đó là điều đặt hàng mà trong năm 2023, vai trò của TP HCM phải lắng nghe và suy nghĩ bàn bạc với các tỉnh, thành với nội dung đó để tỉnh này góp ý cho tỉnh kia. Một sản phẩm đó coi là sản phẩm của 13 tỉnh, thành chứ không riêng là sản phẩm của tỉnh nào” – Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh. 

Phát triển du lịch thông minh

Trong năm 2023, TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tăng cường phối hợp trong quản lý Nhà nước về du lịch với các nội dung định kỳ, trọng tâm; tổ chức đánh giá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong các chương trình du lịch kết nối.

Các địa phương sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, sản phẩm đặc trưng của cả vùng ĐBSCL, từ đó từng tỉnh sẽ chăm chút vào. Đồng thời thay đổi cách quản lý, đón khách, đặc biệt cần sự thổi hồn vào câu chuyện từng sản phẩm. “Ở mỗi địa danh cần có một câu chuyện. Tại đây có du lịch thông minh thì khi du khách tự đi chỉ cần tra trên điện thoại là ra ngay, không cần hướng dẫn viên. Có sự chung tay của các tỉnh, thành thì tôi nghĩ sản phẩm du lịch của ĐBSCL sẽ tốt hơn” – bà Phan Thị Thắng khẳng định.


Bài và ảnh: Ca Linh