NATO có “bước đi không ngờ” với Nga

Động thái trên dự kiến diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào tháng 7 tới cho thấy một sự thay đổi cơ bản bởi trước đó NATO nhận thấy không cần phải vạch ra các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn trong nhiều thập kỷ. Liên minh quân sự này đã tham gia các cuộc chiến quy mô nhỏ ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cảm thấy nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến đẫm máu nhất châu Âu kể từ năm 1945 đang diễn ra ở Ukraine, NATO cảnh báo rằng họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi cuộc xung đột với một đối thủ như Nga có thể nổ ra.

Đô đốc Rob Bauer, một trong những quan chức quân sự hàng đầu của NATO, cho biết: “Sự khác biệt cơ bản giữa xử lý khủng hoảng và phòng thủ tập thể là không phải chúng ta mà chính đối phương quyết định thời gian xảy ra cuộc đối đầu. Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế về một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Đô đốc Rob Bauer, một trong những quan chức quân sự hàng đầu của NATO. Ảnh: Reuters

Bằng cách vạch ra cái gọi là kế hoạch khu vực, NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia cách nâng cấp lực lượng và hậu cần của họ. Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết các tài liệu mật sẽ chỉ định một số quân đội nhất định bảo vệ một số khu vực cụ thể như thời Chiến tranh Lạnh. Ông Stoltenberg cho hay: “Các đồng minh sẽ biết chính xác những lực lượng và khả năng nào là cần thiết, bao gồm cả việc triển khai ở đâu, những bước nào được thực hiện và triển khai như thế nào”.

  • Nga “làm khó” phái bộ ngoại giao Phần Lan?

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, một số yếu tố quan trọng đã thay đổi khi NATO đã mở rộng khoảng 1.000 km về phía Đông và tăng từ khoảng một chục thành viên lên 31 thành viên.

Chỉ riêng việc Phần Lan gia nhập NATO vào tháng trước đã tăng gấp đôi phần biên giới của NATO với Nga lên khoảng 2.500 km, buộc khối này phải có cách tiếp cận triển khai linh hoạt hơn so với trước đây, thời điểm Đức được xem là chiến trường chính. Bên cạnh đó, internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và luồng thông tin nhanh chóng đã đặt ra những thách thức mới cho NATO.

Các quan chức NATO ước tính sẽ mất vài năm để các kế hoạch được thực hiện đầy đủ dù họ nhấn mạnh rằng liên minh quân sự này vẫn có thể đối phó với cuộc xung đột ngay lập tức nếu được yêu cầu.

https://www.reuters.com/world/nato-reaches-back-cold-war-past-with-first-major-defence-plans-decades-2023-05-18/?fbclid=IwAR3lcvpn3s6IyiZLlZDo8QPhZ6WemLkEIkewe3Bkz-NtjRPPc5O88xpnpZ4


Xuân Mai