Nghệ nhân trẻ đam mê chế tác lân sư rồng để xuất khẩu

Những ngày Xuân Quý Mão đang đến cũng là thời điểm cơ sở chế tác đầu lân sư rồng của nghệ nhân Tường Duy trở nên nhộn nhịp để tạo ra nhiều sản phẩm giao cho khách hàng và chuẩn bị những con lân sư rồng chiến nhất mang biểu diễn trong dịp Xuân đến, Tết về.

Nghệ nhân chế tác đầu lân sư rồng xuất sang nước ngoài

Khi chúng tôi tìm đến cơ sở chế tác ở thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), nghệ nhân Tường Duy đang cặm cụi hoàn thiện mấy chiếc đầu lân sư rồng chuẩn bị giao cho các đội lân đã đặt hàng để sử dụng vào những ngày Tết.

Cơ sở chế tác đầu lân sư rồng của nghệ nhân Đặng Tường Duy

Vừa chăm chút cho sản phẩm chuẩn bị hoàn thành, nghệ nhân Tường Duy vừa chia sẻ với chúng tôi: “Vào năm 2008, tôi bắt đầu mày mò trên mạng Internet để học cách làm lân sư rồng nhằm thỏa mãn niềm đam mê. Ban đầu, tôi tự học nghề làm lân sư rồng với mục đích phục vụ cho đoàn lân đi biểu diễn để giảm chi phí mua chiếc đầu lân”.

Nghệ nhân Đặng Tường Duy đang uốn sườn chiếc đầu lân sư rồng

Mới tròn 30 tuổi nhưng nghệ nhân Tường Duy đã có 14 năm kinh nghiệm chế tác lân sư rồng và đang làm Trưởng Đoàn lân sư rồng Thế Nghĩa của huyện Lấp Vò.

Anh chính là “nhạc trưởng” của khoảng 30 thành viên trong đoàn lân sư rồng chuyên đi múa lân thuê tại các sự kiện, lễ, Tết, khai trương, khởi công công trình xây dựng…

Mỗi sản phẩm đều được nghệ nhân Đặng Tường Duy “thổi hồn” vào đó bằng những nét vẽ sắc sảo

Đoàn lân sư rồng của Tường Duy tập hợp được nhiều thanh niên không có việc làm ổn định tham gia biểu diễn thuê để có nguồn thu nhập, qua đó còn góp phần hạn chế rơi vào các tệ nạn xã hội, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Đoàn lân sư rồng của Tường Duy còn đi biểu diễn thi đấu khắp nơi, mang về rất nhiều thành tích cho huyện Lấp Vò.

Em Nguyễn Thành Nhân (ngụ khóm Bình Phú Quới, thị trấn Lấp Vò) cho biết: “Em tham gia vào đoàn lân của thầy Đặng Tường Duy rồi được đi múa thuê để có thêm nguồn thu nhập. Khi có đơn đặt hàng chế tác lân sư rồng thì thầy hướng dẫn nhiệt tình cách làm và từng bước truyền nghề lại cho các đệ tử”.

Sản phẩm lân sư rồng do nghệ nhân Tường Duy chế tác cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước có giá khá cao.

Nghệ nhân Đặng Tường Duy đang hướng dẫn học trò chế tác chiếc đầu lân sư rồng

“Do tôi thiết kế theo đơn đặt hàng, chất liệu nhập từ nước ngoài nên giá thành cao nhưng sản phẩm luôn đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Việc chế tác lân sư rồng qua nhiều công đoạn chính, như: dùng tre uốn sườn; dán vải; bồi giấy; vẽ màu sắc, hoa văn… đòi hỏi phải tỉ mỉ và rất nhiều công phu” – nghệ nhân Tường Duy chia sẻ.

Theo nghệ nhân Tường Duy, nghề chế tác lân sư rồng khó nhất là công đoạn uốn sườn sao cho ra hình dáng con rồng.

Anh chia sẻ: “Giai đoạn uốn sườn, nếu bị cong, vênh, méo… phải rọc ra làm lại từ đầu. Cái khó thứ hai là chế tác phải thể hiện sự tỉ mỉ, hình thái của con lân sư rồng phải sống động, mang đầy đủ sắc thái hỉ, nộ, ái, ố. Con lân sư rồng nhìn có thần sắc hay không chính lúc tạo khung sườn sẽ quyết định đến sự thành, bại của sản phẩm”.

Niềm vui của nghệ nhân Đặng Tường Duy sau khi hoàn thành sản phẩm

Chúng tôi quan sát qua mỗi sản phẩm đều được nghệ nhân Tường Duy thể hiện tỉ mẩn, “thổi hồn” vào những chiếc đầu lân sư rồng cho sống động. Đó cũng là lý do nhiều đội lân khắp nơi liên hệ nghệ nhân Tường Duy đặt hàng để sở hữu chiếc đầu lân sư rồng do anh chế tác đạt độ tinh xảo.

“Mỗi chiếc đầu lân sư rồng từ khâu thiết kế bản vẽ đến hoàn thiện phải tốn thời gian khoảng 10 ngày nên khách hàng muốn mua sản phẩm của tôi phải đặt hàng trước. Nhiều khi tôi phải thức đến khuya để vẽ thiết kế chiếc đầu lân sư rồng, rồi tranh thủ làm giao hàng cho khách ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm, tôi bán cho các đội lân ở trong nước và một số nước ở Châu Á được khoảng 60 chiếc đầu lân sư rồng” – nghệ nhân Tường Duy cho biết.

Nghệ nhân Tường Duy là “thuyền trưởng” của đội lân sư rồi gồm khoảng 30 thành viên

Qua quá trình tự mày mò làm nghề, nghệ nhân Tường Duy đã sáng tạo theo cách của riêng mình. Anh tâm sự đã cũng đã nhiều lần gánh chịu thất bại nhưng với niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề đã giúp anh đạt thành công.

“Tôi đi nhiều nơi, thấy chiếc đầu lân sư rồng nào mới thì ngắm nghía, nghiên cứu rồi về sáng tạo thêm. Đôi khi, tôi cất công đi nước ngoài tìm mẫu chiếc đầu lân mới rồi về rồi sáng tạo thêm theo cách cho riêng mình” – nghệ nhân Tường Duy chia sẻ.

Xem việc chế tác đầu lân sư rồng là cái nghiệp để gắn bó suốt đời, nghệ nhân Đặng Tường Duy luôn thể hiện sự sáng tạo tâm huyết với nghề qua từng sản phẩm anh làm ra.


Bài – ảnh – clip: NHA MÂN