Nghệ sĩ viếng minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Lễ viếng minh tinh Thẩm Thúy Hằng diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, TP HCM bắt đầu từ sáng 10-9. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, cùng đoàn của Hội Điện ảnh TP HCM, NSND Kim Cương có mặt sớm tại tang lễ, cùng gia đình minh tinh Thẩm Thúy Hằng đón tiếp những người đến thắp hương tiễn biệt mỹ nhân một thời của làng nghệ thuật Việt.

Nghệ sĩ Nguyễn Sanh cùng vợ đến viếng minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Ông cho biết bà là đàn chị trong nghệ thuật, một tượng đài trong lòng ông cùng nhiều diễn viên khác với lối diễn xuất thần. “Chị đã xa rời tụi em nhưng hình ảnh của chị luôn trong trái tim tụi em. Gương sáng và đạo đức của chị, tụi em luôn ghi lòng để rèn luyện sống có tâm đức như chị. Chị luôn sống mãi trong lòng công chúng và tụi em” – nghệ sĩ Nguyễn Sanh viết trong sổ tang.

NSND Kim Cương, bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM (bìa trái) và các thành viên trong đoàn Hội Điện ảnh TP HCM đến sớm tại tang lễ minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM và NSND Kim Cương dẫn đoàn của Hội Điện ảnh TP HCM thắp hương viếng minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VTP HCM vào thắp hương

Tiễn biệt minh tinh Thẩm Thúy Hằng

NSND Kim Cương thắp hương

Nghệ sĩ Nguyễn Sanh

NSƯT Hạnh Thúy cùng đạo diễn Lê Hùng Phương đến thắp nhang tiễn biệt minh tinh Thẩm Thúy Hằng. NSƯT Hạnh Thúy bày tỏ sự ngưỡng mộ về tài năng, cách sống của minh tinh một thời.

Bốn người con trai của minh tinh Thẩm Thúy Hằng định cư ở nước ngoài đều về nước, có mặt tại tang lễ. Trong đó, hai người con song sinh Nguyễn Xuân Ái Quốc và Nguyễn Xuân Quốc Việt đại diện gia đình chia sẻ rằng dù ở nước ngoài nhưng dịp lễ, Tết đều thu xếp về thăm mẹ. Vào tháng 6 – tháng 7, cả bốn người đều về thăm và sức khỏe của minh tinh khi ấy vẫn còn tốt. Sau khi họ rời đi thì nhận được tin sức khỏe bà yếu hơn nên thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi. Ở TP HCM, minh tinh Thẩm Thúy Hằng được các cháu chăm sóc chu đáo.

Ở tuổi xế chiều, bà vẫn tích cực làm từ thiện nhưng những năm gần đây do dịch Covid-19 nên bà ít khi ra ngoài gặp mọi người. Với các con, bà là một người mẹ như bao người mẹ khác, hết lòng chăm lo cho con cái. “Mẹ tôi ra đi yên bình như một giấc ngủ. Bà không mắc phải bệnh tật nào đáng kể và có lẽ một phần nhờ ăn chay trường” – Ông Nguyễn Xuân Ái Quốc chia sẻ.

NSND Kim Cương cho biết bà bất ngờ, đau buồn trước tin minh tinh Thẩm Thúy Hằng qua đời. Bà không ngủ được mấy hôm nay, nhớ về những kỷ niệm với người em thân thiết trong nghề. “Những năm cuối đời, tôi tin Thẩm Thúy Hằng sống thanh thản, nhẹ nhàng, tâm hướng Phật pháp, giúp đỡ mọi người. Hằng không lo nghĩ về danh tiếng, không quan tâm chuyện ồn ào ngoài đời, không thiếu thốn vật chất” – NSND Kim Cương cho biết.

Gia đình của minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Ca sĩ Đức Linh

NSƯT Hạnh Thúy và đạo diễn Lê Hùng Phương

NSƯT Hạnh Thúy viết sổ tang

NSND Kim Cương và một người bạn minh tinh Thẩm Thúy Hằng từ Mỹ về đến dự tang lễ

NSƯT – minh tinh Thẩm Thúy Hằng đã qua đời tối 6-9 tại nhà riêng ở quận 7, TP HCM, thọ 82 tuổi.

NSƯT – minh tinh Thẩm Thúy Hằng sinh ngày 20-10-1940 tại Hải Phòng. Bà tên thật là Nguyễn Kim Phụng. Bà được xem là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh Việt giai đoạn cuối thập niên 1970. Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại các nước trong khu vực.

Thuở nhỏ, bà theo học trường Huỳnh Văn Nhứt – Long Xuyên (An Giang). Học hết bậc Tiểu học, bà lên Sài Gòn ở với người chị theo học Trung học tại trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Năm bà lên 16 tuổi học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh.

Năm 16 tuổi, bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2.000 thí sinh khác. Ông chủ Hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho bà nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”do NSND Năm Châu đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958.

Từ đó bà đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh và chinh phục khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thúy Hằng đi suốt cuộc hành trình nghệ thuật thập niên 50 – 60.

Sau khi trở thành ngôi sao tỏa sáng làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Bà đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành minh tinh số một với tiền cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một kg vàng 9999 thời bấy giờ).

Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”, một vai diễn khác cũng rất đẹp của bà từng gây được tiếng vang góp phần đưa tên tuổi của bà lên nấc thang danh vọng, đó là vai Chức Nữ trong bộ phim “Ngưu Lang Chức Nữ” cũng do hãng phim Mỹ Vân sản xuất, NSND Năm Châu đạo diễn.

Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là “Chiều kỷ niệm”.

Không chỉ nổi tiếng trên màn ảnh, bà còn lập Ban kịch và viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như: “Người mẹ già”, “Suối tình”, “Đôi mắt bằng sứ”… Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga…

Sau 1975, bà tham gia nhiều phim cách mạng như: “Như thế là tội ác” “Ngọn lửa Krông Jung”, “Hồ sơ một đám cưới”, “Đám cưới chạy tang”, “Cho cả ngày mai”, “Nơi gặp gỡ của tình yêu”,… Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn đáng chú ý trong các vở: “Cho tình yêu mai sau”, “Đôi bông tai”, “Hoa sim gai trắng”, “Biệt thự hoang tàn”… Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương. Bà đã được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984.


Minh Khuê. Ảnh: M.Khuê