Người phụ nữ trẻ phát hiện ung thư phổi sau cơn đau ngực

Chiều 9-3, bên lề hội nghị “Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” diễn ra trong hai ngày 9 và 10-3, PGS-TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết bệnh ung thư ngày càng có xu hướng tăng, tỉ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa và ung thư phổi cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2, chỉ sau ung thư gan. Đáng nói là thời gian gần đây, qua điều trị các bác sĩ nhận thấy tỉ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng cao hơn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS Phương, trước đây bệnh nhân ung thư phổi thường gặp ở đối tượng trên 50 và phần lớn là nam giới thì ngày nay đã phát hiện ở nhiều người là nữ và dưới 40 tuổi. “Đơn cử, trường hợp người nữ bệnh nhân 36 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân đến bệnh viện do xuất hiện các triệu chứng đau ngực, khó thở, đau đầu, đau vùng cột sống thắt lưng. Khi đến khám bệnh nhân đã trong tình trạng phổi có khối u kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn màng phổi, tổn thương di căn gan, di căn hạch, di căn xương, di căn não…” – PGS Phương chia sẻ.

Tại thời điểm nhập viện thể trạng bệnh nhân rất yếu và sau khi có kết quả bệnh nhân đã từ chối các phương pháp điều trị. Hiện bệnh nhân đang được điều trị triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân này không mang gen đột biến nên tiên lượng rất nặng nề.

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết từ nhỏ đã ở cùng cậu ruột và người này thường xuyên hút thuốc lá. “Việc hút thuốc lá thụ động từ nhỏ có thể là nguyên nhân khiến nữ bệnh nhân dù rất trẻ đã mắc ung thư phổi” – PGS Phương nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực y học hạt nhân và ung bướu cho biết khoảng 10 năm trước, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn với các tổn thương ung thư di căn phổi, màng phổi, di căn xương, di căn gan, di căn não thường chỉ sống được hơn 6 tháng. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư phổi đã đem đến hiệu quả điều trị khá cao dù bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tổn thương di căn. Khi áp dụng các phương pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch, phương pháp xạ trị… có những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn sống thêm 8 – 9 năm.

Theo các chuyên gia, việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm cho phép điều trị hiệu quả, thậm chí chữa khỏi. GS-TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết Việt Nam liên tục cập nhật nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư phổi. Đặc biệt các tiến bộ này đã đi sâu đến sinh học phân tử, công nghệ gen, tế bào, từ đó có phương pháp điều trị trúng đích, điều trị miễn dịch hiệu quả, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng điều trị của người bệnh.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng lưu ý với ung thư phổi không dễ chẩn đoán sớm nếu không tham gia các chương trình khám sức khỏe định kỳ, tầm soát, vì các triệu chứng rất mơ hồ.

Với ung thư phổi, cần tầm soát tập trung đến đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gồm: Nam giới trên 50 tuổi thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào; người có tiền sử nghề nghiệp liên quan khói bụi, amiang, chất độc hóa học… Những đối tượng nguy cơ cao này cần làm xét nghiệm, thăm khám định kỳ, chụp cắt lớp vi tính liều thấp theo định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.

PGS Phạm Cẩm Phương cho biết hội nghị “Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” với sự tham gia của hơn 1.000 thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư, sinh học phân tử, y học hạt nhân… đến từ các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế trong cả nước. Những bài giảng và báo cáo của các chuyên gia hàng đầu về ung bướu sẽ cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư phổi: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, sinh học phân tử.

Hội nghị cũng là nơi để các bác sĩ chuyên ngành ung thư, y học hạt nhân, hô hấp, chẩn đoán hình ảnh, sinh học phân tử… trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi (gồm: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, sinh học phân tử), từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi.


N.Dung