Nhà vườn sầu riêng ăn Tết rủng rỉnh nhờ thị trường Trung Quốc

Ông Lê Thanh Bình (ngụ xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho biết ông có 3 ha trồng sầu riêng Ri6, cho năng suất  khoảng 15 tấn/ha. Với giá bán trung bình khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.

“Không riêng gì thị trường Trung Quốc mà bây giờ thị trường nào cũng yêu cầu sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc nên khoảng 2 năm nay tôi chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho công ty xuất khẩu. Ngoài ra, đến mùa khô hằng năm, tôi còn phải trữ nước ngọt để đề phòng hạn, mặn vì cây sầu riêng không chịu được mặn” – ông Bình nói.

Thu hoạch sầu riêng tại ĐBSCL

Theo ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), đơn vị đang được ngành chức năng hướng dẫn làm hồ sơ để cấp mã số vùng trồng cho 28 ha trồng cây sầu riêng và đã có công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất sang Trung Quốc.

Việc làm mã số vùng trồng cũng hướng nông dân sản xuất theo hướng sạch, truy xuất nguồn gốc, làm nền tảng có chất lượng sản phẩm tốt để không chỉ xuất sang Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khó tính khác.

Trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

 Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, cho biết từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các tổ hợp tác, HTX, nông dân phối hợp với doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng.

Mỗi mã số vùng trồng có người đại diện đứng ra giám sát chất lượng sản phẩm. Đến nay, địa phương đã gửi 33 hồ sơ với diện tích 550 ha, trong số này đã có 8 vùng trồng được cấp mã số.  

Sầu riêng xứng đáng là loại quả “tỉ đô”

Ông Nguyễn Minh Hiếu, chủ sở hữu Gia Bảo Ecofarm, chuyên canh sầu riêng (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, hồ hởi khoe vừa trải qua đợt “sát hạch” của chuyên gia Trung Quốc để được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này.

Nông dân Nguyễn Minh Hiếu (Gia Bảo Ecofarm) cho biết trồng sầu riêng có thể lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/ha/năm

“Vùng trồng của chúng tôi đầu tư bài bản, nhất là khâu kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm kiểm soát côn trùng gây hại và an toàn thực phẩm nên được họ khen và dặn dò “cần giữ phong độ” trong việc quản lý vườn. Chúng tôi hi vọng ra Tết sẽ được cấp mã số để vụ thu hoạch 2023 (từ tháng 5 đến tháng 7) được xuất khẩu chính thức sang thị trường tỉ dân” – ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, Bình Phước là nơi thích hợp trồng sầu riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng trồng sầu riêng của HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước được đầu tư xe phun cabin máy lạnh của Nhật Bản, dung tích 1.000 lít (bên trái) – một thiết bị hiện đại trên thế giới cho thấy mức độ đầu tư của nhà vườn sầu riêng

“Vườn sầu riêng từ năm thứ 4 trở đi có thể thu hoạch chính thức, với giá bán từ 50.000 đồng/kg, lợi nhuận có thể đạt 1 tỉ đồng/năm. Dù sầu riêng Bình Phước “đụng mùa” với sầu riêng Thái Lan nhưng chúng tôi không ngại cạnh tranh do chất lượng không thua kém lại có lợi thế gần Trung Quốc, chi phí logistic rẻ hơn” – ông chủ Gia Bảo Ecofarm tự tin.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), giá trị sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 đạt khoảng 350 triệu USD dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ 9-2022 nên đây xứng đáng là loại quả “tỉ đô” vào năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, nhấn mạnh: “Năm nay nhà vườn trồng sầu riêng ăn Tết lớn khi giá loại quả này tăng cao. Cận Tết, giá sầu riêng tại vườn ĐBSCL ở mức 80.000 – 100.000 đồng/kg còn trong năm, giá chưa bao giờ bị xuống dưới 50.000 đồng/kg nên nhà vườn đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là các vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá còn tốt hơn. Để mua được sầu riêng những vùng này, doanh nghiệp phải đặt cọc trước cũng như đáp ứng các điều kiện nông dân đưa ra. Họ đang ở thế “kèo trên” so với doanh nghiệp” – ông Nguyên nói vui.

Kho đóng gói sầu riêng của Công ty CP Tập đoàn Chánh Thu – xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc

Không mở rộng diện tích quá mức

Dù sầu riêng đang là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc mở rộng diện tích quá mức sẽ đem lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo bà con thận trọng khi phát triển diện tích, chỉ trồng ở những vùng có lợi thế, chuyên canh và tập trung, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, sầu riêng hiện chỉ xuất khẩu trái tươi sang Trung Quốc, chính sách của thị trường này cũng thất thường, không nên bị động vào một thị trường rủi ro rất cao. Nếu không khéo thì giống như khoai lang hay thanh long.

“Do vậy phải phát triển thêm công nghiệp bảo quản, chế biến để lưu trữ được lâu và đa dạng sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường khác” – ông Nghiêm khuyến cáo.


Ca Linh – Ngọc Ánh – Ảnh: Ca Linh – An Na