NHỮNG ĐÔI TAY VÀNG CỦA NGÀNH Y: Ghi tên ngành nội soi Việt Nam lên bản đồ thế giới

Không chỉ là người tiên phong đưa phẫu thuật nội soi về Việt Nam, GS-TS-BS Trần Bình Giang còn có đóng góp quan trọng trong phẫu thuật nội soi thượng thận và khai sinh phương pháp điều trị bảo tồn các tạng vỡ

GS-TS-BS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), được nhắc đến là “bàn tay vàng” của ngành nội soi. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên học về phẫu thuật nội soi và đưa kỹ thuật này về Việt Nam và trở thành thường quy trong cả nước.

GS Trần Bình Giang

Từ mổ nội soi thông thường đến tuyến thượng thận

Theo GS Trần Bình Giang, phẫu thuật nội soi ở Việt Nam là một lĩnh vực y khoa đi gần với sự phát triển của thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện. Chỉ 5 năm sau, Việt Nam cũng tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. Từ những ca mổ nội soi như: cắt túi mật, cắt ruột thừa…, đến nay nhờ kỹ thuật này, người ta có thể thực hiện những phẫu thuật phức tạp nhất như cắt thận, cắt gan, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy… “Phẫu thuật nội soi đã can thiệp tới hầu hết các tạng, chiếm tỉ lệ cao trong số các phẫu thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới” – GS Giang nói.

Nhắc tới cơ duyên gắn bó với phẫu thuật nội soi, GS Trần Bình Giang cho biết ngay từ khi là sinh viên y khoa, ông đã thích chuyên ngành ngoại khoa. Sau khi ra trường, có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền y học thế giới và tháng 5-1990, ông được lựa chọn sang đào tạo lâu dài ở Pháp.

GS Trần Bình Giang chia sẻ lần đầu tiên nhìn thấy các chuyên gia Pháp mổ một ca nội soi, ông rất bất ngờ bởi sự thay đổi quá lớn cho người bệnh. Một vết mổ to, dài trên bụng được thay bằng một vài lỗ nhỏ và quan trọng nhất là có thể giải quyết hiệu quả bệnh tật cho bệnh nhân. Từ đó, ông ao ước có thể mang kỹ thuật này về Việt Nam.

Về nước, làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, với sự ủng hộ, hỗ trợ của các thầy, chàng bác sĩ trẻ tiếp tục nghiên cứu và triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã được học. “Với các bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa, điều ám ảnh nhất chính là bệnh nhân phải trải qua một cuộc đại phẫu với đường mổ lớn ở vùng bụng khiến thời gian phục hồi rất lâu. Khi mổ nội soi ra đời, từ đường mổ dài, bác sĩ chỉ “đục” 3 – 5 lỗ trên thành bụng. Hiện có những can thiệp chỉ cần “đục” 1 lỗ, thậm chí không cần “đục” lỗ do đi qua lỗ tự nhiên của cơ thể” – GS Giang cho biết.

Sau đó, BS Giang tiếp tục nghiên cứu và triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi thượng thận bởi cũng vì khi học ở Pháp, ông đã tham gia các ca mổ mở cắt u tuyến thượng thận của một giáo sư đầu ngành người Pháp. “Tuyến thượng thận nằm rất sâu nên mổ mở rất khó tiếp cận, phải rạch đường rất lớn, chưa kể chỉ cần chạm nhẹ là huyết áp tăng vọt. Vì thế trước đây, mỗi lần mổ tuyến thượng thận phải chuẩn bị các phương án kỹ càng vì nguy cơ đứt mạch máu não, gây liệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng với việc áp dụng mổ nội soi, bác sĩ chỉ cần rạch một đường nhỏ là dễ dàng phát hiện khối u. Trong quá trình phẫu thuật, hoàn toàn kiểm soát được hệ thống mạch máu nên không có biến chứng thường nặng nề và dễ xảy ra của mổ mở. Bệnh nhân ít chảy máu, hồi phục rất nhanh” – GS Giang kể về thành công của phương pháp phẫu thuật nội soi thượng thận.

Với kết quả này, năm 2002, nghiên cứu khoa học của GS-TS Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế. Đến nay đã có hàng ngàn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và Bệnh viện Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận. Kỹ thuật này cũng đã được đào tạo và chuyển giao cho các bác sĩ tuyến tỉnh.

GS-TS-BS Trần Bình Giang thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân

Nâng tầm y học nước nhà

GS Trần Bình Giang đánh giá phẫu thuật nội soi đem đến một cuộc cách mạng cho bệnh nhân, thay thế cho những ca mổ mở nặng nề, chậm hồi phục sau mổ và tỉ lệ tai biến, biến chứng rất cao. Với sự phủ sóng rộng khắp như hiện nay, phẫu thuật nội soi đã mang đến cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh với chi phí phù hợp.

Từ thành công của việc ứng dụng phẫu thuật nội soi, từ nhiều năm trước, GS Trần Bình Giang và các đồng nghiệp đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý chuyên sâu, phức tạp như phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt túi mật, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì, nội soi qua đường âm đạo cắt ruột thừa… Với hai lĩnh vực khó là cắt khối tá tụy ung thư đường mật và ung thư tụy, phẫu thuật nội soi cũng đã khẳng định hiệu quả tuyệt vời.

Đến nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã giúp giảm chi phí khám, điều trị cho người bệnh; thời gian nằm viện được rút ngắn; bệnh nhân được chăm sóc điều trị kỹ thuật cao ở ngay trong nước. Đặc biệt, phẫu thuật nội soi giúp người bệnh giảm sang chấn, giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau sau mổ, bảo đảm tính thẩm mỹ… Với những ca phẫu thuật lớn, phức tạp, phẫu thuật nội soi đã đem đến lợi ích vượt bậc so với mổ mở. GS Trần Bình Giang cũng là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tụy – vốn là những kỹ thuật khó, chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được.

Thời gian qua, dù rất bận rộn với công tác quản lý Bệnh viện Việt Đức nhưng GS Giang cũng dành thời gian cho những ca mổ. Ông tâm sự mỗi lần được đứng bên bàn mổ, được điều trị cho bệnh nhân khỏe mạnh là ông lại như được tiếp thêm sức mạnh, có thêm lòng yêu nghề. Những vất vả, căng thẳng mà công việc mang lại bỗng chốc trở nên “gió thoảng mây bay”. “Được làm nghề và được phẫu thuật cho người bệnh là đam mê của tôi và tôi cũng luôn có một tâm thế chinh phục các kỹ thuật y khoa đỉnh cao, mang lại những lợi ích tốt nhất cho người bệnh” – GS Giang bày tỏ.

Mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức thực hiện gần 80.000 ca mổ, nhiều kỹ thuật mũi nhọn được triển khai như: ghép đa tạng từ người cho chết não, ghép tim, phổi, gan, thận… GS Giang quan niệm nghiên cứu khoa học, sự học không bao giờ có điểm dừng, con người sẽ bị lạc hậu với chính bản thân và thời cuộc khi ngủ quên trên chiến thắng. Do đó, ông luôn tạo điều kiện tốt nhất, khuyến khích thế hệ bác sĩ trẻ tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển nhiều hơn nữa những tiến bộ y khoa để nâng tầm nền y học nước nhà.

“Lĩnh vực nội soi vẫn luôn mới mẻ và nhiều “mảnh đất” để khai thác. Ngày nay, các thầy thuốc trẻ cũng đang chiếm lĩnh những lĩnh vực mũi nhọn, đỉnh cao trong khoa học, vì thế tôi sẽ luôn ủng hộ giới trẻ để họ không ngừng phát triển, góp phần đưa nền y học Việt Nam tiếp cận với thế giới” – GS Giang khẳng định.

Hơn 30 năm gắn bó với Bệnh viện Việt Đức và hơn 8 năm giữ vai trò “thuyền trưởng” chèo lái bệnh viện qua những tháng năm khó khăn, nhất là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, thời gian tới, GS Trần Bình Giang sẽ thôi công tác quản lý. Tuy nhiên, ông khẳng định tình yêu với những ca mổ sẽ không lúc nào ngơi nghỉ. 

Với những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, GS Trần Bình Giang được phong tặng Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc… Năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

“Cha đẻ” của những kỹ thuật khó

GS-TS-BS Trần Bình Giang là người đề xướng thực hiện điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc không cần mổ tại Bệnh viện Việt Đức. Kỹ thuật của ông đã mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam.

Trước đây, 100% ca chấn thương như vỡ gan, lá lách, thận đều phải mổ thì nay 95% ca chỉ điều trị bảo tồn. Việc này giúp người bệnh không bị đau nhiều như mổ, ít mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh và khả năng miễn dịch của bệnh nhân vỡ lá lách không bị ảnh hưởng. Đây là một trong số ít các công trình nghiên cứu được ứng dụng thành công rộng rãi trong thực tế. Ngày nay, nó đã trở thành phương pháp phổ biến ở hầu hết các bệnh viện, mang lại lợi ích cho người bệnh với tỉ lệ thành công cao, ít biến chứng, đỡ tốn kém.

(Còn tiếp)


Bài và ảnh: NGỌC DUNG