Nỗi lo từ hội chứng Covid-19 kéo dài

Hội chứng Covid-19 kéo dài đã khiến kinh tế Úc thiệt hại đến 3 triệu ngày làm việc trong 6 tháng đầu năm 2022, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động của nước này. Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo mới của Bộ Ngân khố Úc, qua đó tiếp tục nêu bật tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế đất nước.

Theo báo cáo này, tác động lâu dài của Covid-19 khiến khoảng 31.000 người ở Úc không làm việc mỗi ngày. Theo trang 9news, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers hôm 26-8 nhận định những con số trên cho thấy Covid-19 tác động lâu dài đối với năng suất của lực lượng lao động Úc.

Báo cáo của Bộ Ngân khố Úc định nghĩa người bị hội chứng Covid-19 kéo dài là vẫn còn triệu chứng ít nhất 4 tuần sau khi mắc bệnh.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây tại 8 nước cho thấy người trưởng thành có nguy cơ mắc các triệu chứng như lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, khó tập trung… sau khi hồi phục từ Covid-19. Chưa hết, một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet trong tháng này cho biết cứ 8 người mắc Covid-19 thì có 1 người bị ít nhất 1 triệu chứng kéo dài.

Thông báo tuyển dụng tại một cửa hàng ở TP Cambridge, bang Massachusetts – Mỹ hồi tháng 7-2022 Ảnh: REUTERS

Úc không phải là nước duy nhất đau đầu vì tác động của Covid-19 đối với lực lượng lao động. Theo báo cáo mới được Viện Brookings (Mỹ) công bố trong tuần này, hội chứng Covid-19 kéo dài đang ngăn 2-4 triệu người Mỹ làm việc.

Báo cáo này cho thấy khoảng 16 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 18 – 65) ở Mỹ hiện mắc các triệu chứng Covid-19 kéo dài, khiến họ có thể gặp thách thức khi làm việc.

Báo cáo của Viện Brookings cũng nêu rõ thiệt hại kinh tế do hội chứng Covid-19 kéo dài gây ra là không hề nhỏ. Dựa trên mức lương trung bình 1.106 USD/tuần, Viện Brookings ước tính 3 triệu người không đi làm vì hội chứng này sẽ gây thiệt hại khoảng 168 tỉ USD/năm về mặt thu nhập bị mất.

Dù vậy, theo Viện Brookings, số tiền này còn chưa tính đến gánh nặng kinh tế đầy đủ của hội chứng, như năng suất lao động sụt giảm của những người đi làm trong lúc vẫn còn triệu chứng Covid-19 kéo dài, chi phí chăm sóc sức khỏe…

“Nếu người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài không hồi phục nhanh hơn, gánh nặng kinh tế sẽ tiếp tục tăng” – báo cáo cảnh báo. Theo đài CNN, các tác giả báo cáo cũng kêu gọi chính phủ Mỹ có những hành động chính sách cần thiết để giảm gánh nặng kinh tế nói trên, như cải thiện việc phòng ngừa và điều trị bệnh, môi trường làm việc và hoạt động thu thập dữ liệu.

Báo cáo của Viện Brookings được công bố vào thời điểm nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, chăm sóc sức khỏe…, đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Mỹ. Theo thống kê, Mỹ còn 10,7 triệu vị trí công việc không có người làm tính đến tháng 6-2022. Con số này cao hơn nhiều so với mức 7 triệu trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành. 


Hoàng Phương