Sống mãi tinh thần quật khởi của ngày 23-9

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã kể về những hồi ức của ngày Nam Bộ kháng chiến, cùng những lời dặn dò tâm huyết của hai bậc lão thành với thế hệ trẻ hôm nay.

Nhà sử học NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU:

“Phải biết biến niềm tự hào thành động lực”

Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, vào giai đoạn năm 1945 – 1955, sau khi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngày 1-1-1946, ông Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo, một chính khách thời đó đã được cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà được cử vào chức vụ Thứ trưởng.

Vốn là phụ tá cho ông Nguyễn Mạnh Hà, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã có những đóng góp nhất định trong Hội nghị Trù bị Đà Lạt và Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt 1946. Đây cũng là dịp ông Nguyễn Đình Đầu có được cơ hội tiếp cận với nhiều hồ sơ, báo cáo về phong trào nhân dân Nam Bộ tổ chức kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ giành lại độc lập. Ông Nguyễn Đình Đầu còn có thời gian tham gia hoạt động trong phong trào vận động chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh.

Từ tinh thần Nam Bộ kháng chiến khi xưa, các thế hệ trẻ phải có trọng trách tiếp bước nhằm góp phần xây dựng đất nước. Trong ảnh: Một góc Sài Gòn – TP HCM trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-2022 vừa qua. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

“Có thể nói các trí thức lão thành ai cũng đều tự hào khi nhắc đến khí thế hào hùng của Nam Bộ kháng chiến. Bởi đó là thời khắc nhân dân Nam Bộ cùng đứng chung một chiến hào chống lại thực dân Pháp, khẳng định sự xâm lược lần 2 của họ đối với một đất nước vừa tuyên bố độc lập là một việc làm phi chính nghĩa” – ông Nguyễn Đình Đầu cho biết.

“Nhân dân Nam Bộ tập hợp lực lượng ngày càng mạnh và xác định tinh thần chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giới trí thức Sài Gòn – Gia Định khi đó đã truyền tai nhau cùng hướng về khẩu hiệu “Không hợp tác với giặc”. Phong trào Nam Bộ kháng chiến đã góp phần ngăn chặn sự xâm lược của thực dân Pháp, làm phá sản âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của giặc Pháp ở miền Nam” – ông Nguyễn Đình Đầu cho biết thêm.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu khẳng định 77 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần quật khởi của Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Thế hệ hôm nay phải biết biến niềm tự hào của ngày 23-9 thành động lực trong việc học tập, xây dựng, phát triển đất nước. Không chỉ đợi đến ngày 23-9 hằng năm mới ca tụng truyền thống hào hùng của tinh thần Nam Bộ kháng chiến, mà mọi người dân – nhất là các bạn trẻ cần phải có tinh thần “Nam Bộ kháng chiến” trong công việc hằng ngày, có như vậy mới xứng đáng là thế hệ kế tục vững chắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cha ông, đã làm nên một Nam Bộ kháng chiến bất tử.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH TƯ:

“Mong thế hệ trẻ ý thức trọng trách tiếp bước…”

Cách đây 77 năm, ngày 23-9-1945 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tròn 23 tuổi, độ tuổi đã hiểu rõ về tinh thần đoàn kết, hướng về niềm khao khát lớn của toàn dân tộc, đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ bờ cõi tiền nhân đã kiến tạo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhớ lại: “Chỉ sau khoảng 3 tuần khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp ngang nhiên xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai”.

Ông kể: “Thời đó tin tức về cuộc khởi nghĩa ngày 23-9 chỉ được truyền miệng nhau từ một nhóm tổ chức thanh niên mà tôi sớm giác ngộ để đi theo tiếng gọi non sông. Qua lời kể của những người anh, người lớn đi trước, tuổi trẻ trong tôi thời đó hừng hừng khí thế”.

Mãi về sau này, khi dấn thân vào nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư mới ráp nối những hình ảnh mà ông đã chứng kiến, để hình thành ý thức rõ hơn về những tháng ngày lịch sử hào hùng ấy luôn khắc ghi trong tâm khảm của ông.

“Tôi may mắn được sống trong không khí sục sôi ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Những tư liệu sống này là nền tảng để tôi viết về những trang sử hào hùng của Nam Bộ, thông qua hai ấn phẩm do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành là “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 – 1954)” và “Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục” được xuất bản năm tôi tròn 90 tuổi” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn còn nhớ chi tiết “Những ngày nổ ra cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, ở miệt 18 thôn vườn trầu (nay là ấp Nam Tiến, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) có chàng thanh niên tên Hai Hỷ mới 21 tuổi, đã hăng hái tham gia khởi nghĩa trong những ngày tháng 9 hào hùng”.

“Trong những ngày đó, thanh niên có vũ khí gì thì xung phong, miễn sao có thể ngăn bước quân thù, vũ khí chỉ là tầm vông vạt nhọn, nhưng với lòng yêu nước ngút trời nên tất cả đều đồng lòng đứng lên chống giặc Pháp xâm lược” – ông Nguyễn Đình Tư cho biết.

Ông Nguyễn Đình Tư xúc động nói: “Mới đó mà đã 77 năm, tôi nay cũng đã hơn 100 tuổi. Nam Bộ kháng chiến là một chiến công hết sức đặc biệt, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ở Nam Bộ. Từ chiến công của 77 năm trước, thế hệ của chúng ta hiện nay phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, để ngọn cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên khắp bầu trời, hải đảo của non sông Việt”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã nhắn gửi: “Mong các thế hệ trẻ ý thức trọng trách tiếp bước, xây dựng đất nước nói chung, TP HCM nói riêng ngày càng phát triển, xứng đáng là con Rồng cháu Tiên, với sự mong mỏi của Bác Hồ kính yêu”.


THANH HIỆP ghi