Tác động lớn từ COVID-19

Thực hiện khảo sát này là bà Hue Tran Thi (thuộc Quỹ Phòng chống AIDS Nhật Bản), ông Tsutomu Kitajima (Trường ĐH Kyorin), ông Sawada Takeshi (Viện Minami – Motomachi), bà Miyakubi Hiroko (Trường ĐH Kyorin).

Họ đã khảo sát bằng bảng câu hỏi đối với 589 người Việt sinh sống tại Kanto, Kansai, Tokai và Kyushu – những khu vực người Việt tập trung đông – trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021.

Theo dữ liệu của Cục Nhập cư Nhật Bản, đa phần người Việt Nam đến Nhật Bản để tìm công việc có mức lương cao hơn, tiếp đến là mong muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng để cải thiện đời sống nói chung. Đa số họ làm việc trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ lưu trú, thực phẩm, bán buôn – bán lẻ, chăm sóc sức khỏe…

Đánh giá chung của nghiên cứu trên là lao động đến từ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định cho kinh tế Nhật Bản. Dù vậy, họ lại thường xuyên phải thỏa hiệp về tình hình sức khỏe và sinh hoạt của mình.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại một công trường ở Tokyo – Nhật Bản. Ảnh: NIKKEI

Khảo sát này cho biết ngay từ trước đại dịch, lao động nhập cư đã gặp khó khăn trong thăm khám sức khỏe, phải chịu đựng điều kiện sống và làm việc kém, đồng thời không thông thạo tiếng Nhật và thiếu thông tin về hệ thống bảo hiểm.

Để sang Nhật, họ đã vay mượn ở quê nhà và phải làm việc thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Một số người gửi phần lớn lương tháng về nhà nên hầu như không đủ tiền cho ăn uống và nhu cầu thiết yếu. Những khó khăn này khiến họ dễ mắc bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong số 589 người tham gia, có 357 người (chiếm 60,6%) mất việc hoặc phải giảm giờ làm do tác động của dịch COVID-19. Nghiên cứu sâu hơn, nhóm khảo sát nhận thấy đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là sinh viên (218 người, 71%), tiếp theo là những người làm việc bán thời gian (177 người, 49,2%).

Thiếu thực phẩm là một khó khăn đáng kể khác. Hơn phân nửa số người tham gia (301 người) cho biết phải giảm thức ăn từng bữa hoặc bỏ bớt bữa trong thời gian đại dịch. Ngoài ra, 80 người (13,6%) nói rằng họ không thể về Việt Nam do thiếu tiền và các biện pháp hạn chế đi lại.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 59,8% người tham gia nói họ tìm hiểu về dịch COVID-19 thông qua mạng lưới thông tin trên mạng của cộng đồng người Việt, qua đó cho thấy cần tận dụng tối đa kênh này để tiếp cận người nhập cư. 


Hải Ngọc