TP HCM: Hiệp thương với dân trước khi quyết phương án bồi thường

Ngày 12-2, HĐND TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình thành phố phối hợp tổ chức Chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời với chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư”.

Tham dự có Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ.

Tại chương trình, nhiều cử tri đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư nhà ở xã hội; cải tạo, xây mới chung cư cũ, nhất là chung cư cấp D trên địa bàn thành phố.

Địa phương chủ động hơn trong cải tạo chung cư cũ

Cử tri Võ Thanh Lâm, Giám đốc Đầu tư Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín, cho rằng nhiều năm qua, chính quyền kêu gọi đầu tư cải tạo, xây mới chung cư cũ cấp D tại khu vực các quận nội thành nhưng không mấy hiệu quả.

 “Trong thời gian tới, chính quyền có giải pháp gì mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chỉnh trang bộ mặt đô thị”- ông Lâm hỏi.

Trả lời vấn đề cử tri đặt ra, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 1.568 chung cư, trong đó xây dựng trước năm 1975 là 474 chung cư. Thành phố có 16 chung cư cấp D bắt buộc phải sớm di dời người dân.

Chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời với chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư” sáng 12-2

Ông Khiết đánh giá thời gian qua, thành phố đã thực hiện sửa chữa, cải tạo các chung cư cũ nhưng tiến độ chậm. “6 nhóm giải pháp được thành phố thực hiện song song để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, nhất là chung cư cấp D”- ông Khiết nhấn mạnh.

Trong đó có nhóm giải pháp UBND thành phố ủy quyền, phân công UBND các quận và TP Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư được xây dựng trên địa bàn.
Điều này giúp địa phương chủ động trong công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cần phải di dời, tháo dỡ.
Trong năm 2023, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn UBND các quận và TP Thủ Đức; tham mưu cho UBND thành phố giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Cùng với đó là rà soát và điều chỉnh quy hoạch tỉ lệ 1/2000 tại các khu vực xây dựng lại nhà chung cư; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc khu chung cư để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư.

Đặc biệt, thành phố sẽ kiên trì tuyên truyền, vận động người dân đang ở các chung cư cấp D đồng thuận di dời, tạm cư, tái định cư đến quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước mà thành phố đã chuẩn bị hoặc quỹ nhà do chủ đầu tư chuẩn bị để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhằm nhanh chóng triển khai dự án theo quy định.
Ông Khiết cho biết thêm toàn bộ phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được bàn trực tiếp với người dân, sẽ có sự hiệp thương để thống nhất trước khi xây dựng lại chung cư mới.

Doanh nghiệp muốn đầu tư nhà ở xã hội nhưng ngại thủ tục

Đặt câu hỏi qua fanpage HĐND thành phố, cử tri Đỗ Duy Tân cho rằng thủ tục để triển khai dự án nhà ở xã hội hiện nay phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại. Cụ thể nhà ở xã hội khống chế giá bán, lợi nhuận của doanh nghiệp còn nhà ở thương mại thủ tục ít hơn và không bị khống chế giá bán.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhà ở xã hội, góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho người lao động nhưng lại ngại thủ tục.
“Thành phố cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để tồn đọng và kéo dài”- ông Tân gửi gắm.

Trả lời, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết theo các quy định pháp luật hiện nay, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục mà dự án nhà ở thương mại không phải thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết trả lời cử tri về đầu tư nhà ở xã hội

Như xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sau đó làm thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất; thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội. Do nhà ở xã hội nên không phải ai cũng được mua nên đối tượng được mua, thuê.

“Số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia”- ông Khiết nhìn nhận.

Do đó, để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đã tham mưu và được UBND thành phố chấp thuận, ban hành trình tự thủ tục rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai: gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện khoảng 160 ngày. Trường hợp đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, được đầu tư xây dựng không phải bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công: gồm 7 bước, thời gian thực hiện khoảng 320 ngày.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động rà soát các quỹ đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; kiến nghị Bộ Xây dựng về nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án đề nghị gia hạn thời gian thực hiện; xác nhận hoàn tất nghĩa vụ về nhà ở xã hội; xác định chi phí thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước…


Bài và ảnh: PHAN ANH