Tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ tại hang Tám Cô

Dâng hương các Anh hùng liệt sĩ

Tại buổi lễ, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết Lễ tưởng niệm được tổ chức nhằm làm sống lại những ký ức về một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Đồng thời, đây là dịp để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và sự hy sinh cao cả của các bậc cha anh cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, kính cẩn dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do

Năm nay, lễ tưởng niệm diễn ra với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, dâng hoa tại Đền tưởng niệm; Chiếu clip phóng sự về Hang Tám thanh niên xung phong và Đường 20 – Quyết Thắng: Trao những phần quà đầy ý nghĩa cho thân nhân các Liệt sĩ…

Các đại biểu dâng hương các Anh hùng Liệt sĩ trong Hang Tám Cô.

Hang Tám Thanh niên Xung phong đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; Đường 20 – Quyết Thắng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

Quang cảnh Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ tại hang Tám Cô và Đường 20 – Quyết Thắng

Vì sao có tên gọi hang Tám Cô?


Theo các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu trên hệ thống đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 1966-1972, có một Tiểu đội nữ thanh niên xung phong gồm 8 cô gái phụ trách chốt trong một hang đá ven Đường 20 – Quyết Thắng.

Bộ đội, thanh niên xung phong qua đây thân thiết gọi tên hang đá các cô đóng chốt là hang Tám Cô, dần dần trở thành địa danh thân thuộc. Khi 8 thanh niên xung phong quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa hy sinh tại hang đá này, đồng đội không muốn đổi tên nên hang Tám Cô trở thành huyền thoại.

Các liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952, xã Hoằng Trường), Nguyễn Văn Phương (SN 1954, xã Hoằng Trường), Hoàng Văn Vụ (SN 1953, xã Hoằng Hà), Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947, xã Hoằng Đạt), Trần Thị Tơ (SN 1954, xã Hoằng Trường), Lê Thị Lương (SN 1953, xã Hoằng Thịnh), Đỗ Thị Loan (SN 1952, xã Hoằng Ngọc) và Lê Thị Mai (SN 1952, xã Hoằng Thịnh).


HOÀNG PHÚC