UBND TP HCM chỉ đạo khẩn về hoạt động trợ giá xe buýt

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn, đồng ý với đề xuất của Tài chính và Sở Giao thông vận tải đối với hoạt động xe buýt trên địa bàn.

Cụ thể, UBND thành phố thống nhất đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt thực hiện theo hình thức đặt hàng không áp dụng việc tiết kiệm 4%. UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải triển khai công tác trợ giá xe buýt đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.

Đồng thời đẩy mạnh tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt có trợ giá theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị quyết 32/2019 về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Xe buýt hoạt động khó khăn do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19; Ảnh: NLĐO

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND thànhphố chấp thuận đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt thực hiện theo hình thức đặt hàng không áp dụng việc tiết kiệm 4% trong triển khai Văn bản 388/2023 của Liên Sở Tài chính – Cục thuế thành phố – Kho bạc Nhà nước thành phố đối với hoạt động xe buýt.

Lý do Sở Giao thông vận tải đưa ra là đã thực hiện tiết kiệm ngay từ khâu xây dựng, thẩm định giao dự toán chi ngân sách và phê duyệt dự toán đặt hàng.

Cụ thể, dự toán kinh phí trợ giá xe buýt được xây dựng theo công thức (trợ giá xe buýt = tổng chi phí chuyến xe – doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu) có đặc thù khác với các lĩnh vực khác vì có yếu tố phụ thuộc vào doanh thu khoán trên từng tuyến xe buýt.

  • Chấm dứt lùm xùm trợ giá xe buýt ở TP HCM

Chính vì vậy, ngay từ khâu xây dựng trình dự toán, thẩm định giao dự toán chi ngân sách đến khâu phê duyệt dự toán kinh phí, đặt hàng cung ứng dịch vụ xe buýt hàng năm đã thực hiện việc tiết kiệm chi ngân sách thông qua việc áp khoán tăng sản lượng hành khách bình quân một chuyến xe cao hơn so với sản lượng thực tế (mức tăng sản lượng kỳ vọng).

Ngay từ lúc Sở Giao thộng Vận tải được giao dự toán chi ngân sách năm 2023 đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt đã tiết kiệm kinh phí với tỷ lệ 17,7% do việc tăng khoán sản lượng so với thực tế thực hiện của năm trước; qua đó việc xây dựng dự toán đã đáp ứng tỷ lệ giảm giá tối thiếu 4% như hướng dẫn tại Văn bản 388.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng cho biết tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng đến nay vẫn đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm doanh thu giảm sâu so với trước dịch.

Nếu tiếp tục thực hiện tiết kiệm thêm qua việc thương thảo giảm trợ giá ít nhất 4% so với dự toán được duyệt đối với các đơn vị vận tải là rất khó khăn, có khả năng dẫn đến việc thương thảo kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định hoạt động và phát triển hệ thống xe buýt thành phố.

Thẩm định đề xuất trên, Sở Tài chính thống nhất với ý kiến Sở Giao thông vận tải.


PHAN ANH