Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954

Để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (1973-2023), ngày 14-2, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”.

Theo tài liệu trưng bày tại triển lãm, vào cuối thế kỷ XIX, trên các bản đồ, vị trí Văn Miếu nằm ở rìa kinh thành Thăng Long, giữa một khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt, cách xa trung tâm, thuộc tỉnh Hà Đông. Văn Miếu khi ấy chỉ được người Pháp gọi là “Chùa Quạ” vì mức độ hoang phế. Có thời gian, quân đội Pháp sử dụng di tích này để đặt trường dạy thổi kèn. Trong thời gian dịch tả hoành hành, Văn Miếu được sử dụng làm nơi cách ly bệnh nhân.

Với quá trình đô thị hoá nhanh chóng của Hà Nội diễn ra sau khi cách thành luỹ bị dỡ bỏ và việc xuất hiện nhiều tuyến phố mới đã khiến Văn Miếu nằm giữa trung tâm của một đô thị đang phát triển (ảnh chụp ngày 15-2-2023)

Trước bối cảnh đó, năm 1899, các bức tường bao của di tích được xây lại, có hình tứ giác đều. Công trình hoàn thành vào năm 1900, Văn Miếu lấy lại được chức năng thờ tự ban đầu, giá trị di sản được công nhận, kể từ có công tác trùng tu, bảo tồn di tích được thực hiện (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Triển lãm cho thấy sự phát triển về mặt kiến trúc của Văn Miếu, cuộc sống bên trong; cũng như công tác tu bổ, tôn tạo di sản trong nhiều năm, với sự cống hiến miệt mài và tận tụy của những người tham gia công tác này (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Lần trùng tu Văn Miếu đầu tiên được thực hiện vào năm 1904. Rất nhiều các công trình được trùng tu đợt này như: Khuê Văn Các, Tả Vu, toà đình bia bên phải; đồng thời còn sửa chữa cổng Văn Miếu, tường bao và Giếng Thiên Quang.

Năm 1905, công việc trung tu được tiếp tục, mái ngói trên điện Khải Thánh và một số công trình khác được lợp lại, đặc biệt nội thất bên trong cũng được tu sửa: Sơn son lại toàn bộ nột thất, các cột, hoành phi, trần và sàn nhà.

Giai đoạn 1917-1920 là giai đoạn đặc biệt khi Văn Miếu trong thời gian này bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1917, một đợt đại tu được thực hiện dưới sự giám sát của Henri Parmentier.

Theo đó, đợt trùng tu này kéo dài trong 4 năm do chính quyền tỉnh Hà Đông thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), bao gồm sửa gạch lát sân, thay thế các khung bị hỏng, lan can và một số mái ngói, sơn son thếp vàng lại toàn bộ các công trình. Cuối cùng là gỡ bỏ chiếc cổng sắc kiểu châu Âu ở mặt tiền lạc lõng với kiến trúc di tích.

Năm 1933, Sở Công chính Hà Đông tiến hành sửa chữa tổng thể bằng khoản trợ cấp 4.494 đồng bạc Đông Dương dưới sự giám sát của EFEO. Năm 1946, một số công trình trong Văn Miếu bị phá huỷ; đến năm 1953, việc xây dựng lại hai dãy Tả Vu và Hữu Vu nằm hai bên sân Bái Đường được xem xét thực hiện, công trình hoàn thành vào tháng 8-1954 (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Với các tư liệu quý, Triển lãm cho phép chúng ta trở lại quá khứ gần như vẫn còn hiện hữu nơi đây.

Việc trùng tu các di tích như Văn Miếu luôn cần bàn tay của những người thợ thủ công Việt Nam tài hoa.

Chỉ những người thợ mộc, thợ sơn mài, thợ điêu khắc… nắm giữ những bí quyết, kỹ thuật truyền thống mới có thể thực hiện công việc này (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Vai trò của EFEO và giới chức Việt Nam lúc bấy giờ là lựa chọn những thợ thủ công tài hoa, xác định các công trình cần ưu tiên sửa chữa và tìm nguồn kinh phí (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

(ảnh chụp ngày 15-2-2023)

Theo các thông tin tại triển lãm, do đặc thù công trình được xây dựng bằng gỗ và ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, công việc trùng tu Văn Miếu đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên dù là trước đây hay bây giờ (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Triển lãm cũng giúp công chúng hiểu về những công việc đã thực hiện ở Văn Miếu của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ; đồng thời cung cấp cho người xem một góc nhìn về công tác nghiên cứu ngày nay. Cùng với đó là chân dung của những người luôn có niềm đam mê với di sản, góp phần bảo tồn khu di tích – sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi, nhằm đối phó trước những tác động mạnh mẽ của thời gian lên di sản (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

Cận cảnh các công trình trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ảnh chụp ngày 15-2-2023).

(ảnh chụp ngày 15-2-2023)

(ảnh chụp ngày 15-2-2023)

(ảnh chụp ngày 15-2-2023)

(ảnh chụp ngày 15-2-2023)


Hữu Hưng