Vầng trăng lên cao

Trăng đầu tháng mọc hình lưỡi liềm uốn vành khuyên trên nền trời xanh thẳm. Hẳn là thế rồi, bởi trăng non, trăng luôn mọc rất sớm, từ khi mặt trời còn vắt vẻo tia nắng cuối cùng của buổi chiều tà phía đằng Tây, trăng đã kịp nhô lên ở phía đằng Đông. Một dải mây trắng như chiếc khăn voan của nàng thiếu nữ thả rơi trên bầu trời, mây cứ ngược nắng, ngược gió mà lả lơi cùng trăng, uốn éo vũ điệu bay bổng như tịnh không của suy nghĩ mà thoát xác trên bầu trời.

Thành phố này, biết bao nhiêu ngôi nhà cao tầng được mọc lên. Những ô cửa kính bóng loáng như soi gương cả nền trời in vào trong từng ô cửa. Nhưng để có được những tòa nhà cao tầng ấy, đều chắt chiu từ những xô vôi vữa, viên gạch nhỏ và những con người cần cù lao động như chú Thanh cặm cụi xây nên.

Những ngày đầu thu, gió heo may phảng phất trên từng tán lá bàng xanh biêng biếc. Chú Thanh cứ nhìn lên vầng trăng, khi nào trăng biến hóa từ hình lưỡi liềm sang hình tròn là chú biết Trung thu đã về. Trung thu của chú ngày xưa, ngày ấy nghèo lắm bởi vẫn còn thời bao cấp. Bố chú đi làm ăn xa về mua cho ba anh em nhà chú một chiếc đèn ông sao năm cánh xanh đỏ, ba anh em chơi chung nhau. Mỗi đứa cầm một lúc rồi lại nhường cho đứa kia. Hạnh phúc sẻ chia vậy mà thân thương đến lạ. Trong ký ức ấy, chú vẫn rưng rưng tuổi thơ khi nhìn các bạn có bánh nướng, bánh dẻo để ăn. Chú chỉ dám nhìn qua ô cửa tạp hóa nhà bà Nghiên mà thèm, mà ước. Chẳng biết vị bánh dẻo nó ngọt thế nào, chẳng biết vị bánh nướng nó thơm ra sao. Nhưng chắc sẽ ngon lắm, ngon trong trí tưởng tượng của chú, một đứa bé mười tuổi ngày ấy chẳng có tiền mua nổi mà ăn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mấy ngày nay, chú Thanh được nghỉ làm, công trình thi công tạm dừng vì phải đợi cho lớp bê-tông tầng hai khô ráo mới xây tiếp được. Chủ thầu chưa gom đủ tiền nên họ chưa trả lương cho chú Thanh. Chú muốn tranh thủ dịp nghỉ này để bắt chuyến tàu về thăm quê. Cái Na, thằng Tít còn nhỏ quá! Một đứa lên bảy, một đứa mới lên năm. Ở vùng quê xa xôi và hẻo lánh ấy, chúng chẳng biết Trung thu là gì. Bao nhiêu năm rồi, từ cái ngày cô Hương mất khi vừa sinh thằng Tít, cuộc đời của chú và tuổi thơ của chúng như chìm dần vào nỗi buồn lặng câm. Cái nghèo ở quê đeo bám khi từng đợt lũ về, lúa non chẳng kịp gặt để ăn. Chú phải gửi cái Na, thằng Tít cho ông bà nội trông coi, chú một mình lên thành phố mong tìm được việc làm, có chút tiền gửi về nuôi gia đình.

Chú Thanh mải miết đạp xe trên con đường thành phố trải nhựa đẹp như lụa, những ngôi nhà cao tầng như niềm kiêu hãnh của sự xa hoa. Chú xếp hàng đợi chờ cùng bao người trong một tiệm bánh Trung thu truyền thống nổi tiếng, trên con đường Hàng Bè – Hà Nội. Tiệm bánh có lẽ từ rất lâu rồi, người ta chế biến bánh nướng, bánh dẻo theo công thức truyền thống. Nhất định Trung thu này chú sẽ mang bánh về cho Na và Tít. Nghĩ đến đấy, lòng chú khấp khởi vui hơn hẳn. Hai chiếc bánh dẻo và hai chiếc bánh nướng được gói gọn ghẽ trong chiếc túi có in hình trăng tròn.

– Chú ơi! Của chú hết ba trăm bảy mươi lăm ngàn đồng ạ!

Cô bé bán hàng xinh xắn nở nụ cười duyên, nói lễ phép với chú Thanh.

Chú Thanh nhìn vào túi ngực áo của mình, chỉ có vỏn vẹn bốn trăm ngàn đồng.

Nhận túi bánh từ cô bán hàng, chú Thanh đút hai mươi lăm ngàn đồng vừa được trả lại vào trong túi áo ngực, chú treo gói bánh trên ghi-đông xe đạp rồi ra về. Chiều dần tàn, con đường thành phố nấp tập người qua lại, những chiếc đèn Trung thu và đồ chơi rực rỡ sắc màu treo trên phố, nhưng con người nơi đây, họ vội vã xuôi ngược, chẳng ai để ý đến nhau, dù chỉ là một vầng trăng.

Căn phòng trọ tuềnh toàng và vắng vẻ, chủ thầu mất hút mấy ngày nay chẳng thấy đến trả lương. Chú Thanh ăn tạm bát mì gói, gấp quần áo và đặt mấy chiếc bánh Trung thu vào ba-lô cẩn thận; ngày mai chú sẽ bắt tàu về quê. Biết chú Thanh chẳng có tiền, bác Toàn chủ trọ đã dúi vào ngực áo chú Thanh năm triệu đồng.

– Tôi cho chú vay tạm, khi nào ở quê lên, có lương, trả tôi sau!

Chú Thanh cúi đầu cảm ơn bác Toàn, mắt chú ngân ngấn nước.

Trên con đường ra bến tàu buổi sáng, ga Hàng Cỏ còn đẫm sương đêm chưa kịp tan. Chú Thanh khoác ba-lô và đội chiếc mũ cối đã ngả màu bạc phếch. Chú Thanh mua thêm hai chiếc đèn ông sao năm cánh màu xanh đỏ. Hành trình về quê, chú nhìn vào chiếc ba-lô gói trọn chiếc bánh dẻo và bánh nướng trong đó, chú lại mỉm cười một mình bởi Na và Tít năm nay sẽ có cả Trung thu trong chiếc ba-lô kia.

Tàu lăn bánh đi trên đường ray thẳng tắp, những toa tàu như mảnh ghép cuộc đời, xình xịch hạnh phúc và khổ đau nối tiếp nhau. Chú Thanh nhìn ra ô cửa sổ, tay mân mê chiếc đèn ông sao năm cánh, như cách chú mân mê, nghĩ về tuổi thơ của chính mình. Chú nghĩ đến Na và Tít đã đứng đợi bố đầu ngõ, chúng reo lên “A, bố về rồi” khi thấy bóng bố lững thững phía đằng xa. Rồi mỗi đứa cầm một chiếc đèn ông sao, chúng quấn quýt lấy chú Thanh như bầy chim ríu ran về tổ. Buổi tối, mảnh trăng quê rưng rưng đầu ngõ. Ba bố con chú Thanh chạm mặt với trăng, nghe hạnh phúc trào dâng trong lòng rộn rã.


Thanh Nga