Vụ bạo hành khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong: 2 người giữ trẻ đối diện mức án nào?

Liên quan đến vụ cháu bé P.T.Đ. (17 tháng tuổi; trú tại thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tử vong bất thường, Công an huyện Thường Tín đang tạm giữ Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1994, cùng trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là 2 người giữ trẻ để điều tra, làm rõ.

Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành. Ảnh: N.V.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết theo thông tin ban đầu, chỉ vì bực tức cháu bé khóc không ngủ, chạy ra ngoài cửa mà 2 người giữ trẻ đã cùng nhau trong nhiều ngày sử dụng vũ lực bằng chân, tay đạp vào bụng, ngực rồi đá, dẫm vào đầu cháu bé, ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Hậu quả cháu bị chấn thương sọ não và tử vong trong đau đớn. Hành vi của 2 người này thể hiện sự côn đồ, hung hãn, vô cớ đánh đập dã man, tàn ác cháu bé tử vong đã cấu thành tội “Giết người”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm đánh giá hành vi của 2 người này là đặc biệt nghiêm trọng, rất dã man, tàn ác.

Bên cạnh đó, 2 người giữ trẻ là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, vì lợi ích đã bất chấp pháp luật, mở cơ sở trông giữ trẻ trái phép, không có tình thương yêu trẻ, bạo hành cháu bé tử vong trong đau đớn nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng phức tạp trong xã hội hiện nay.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng trong vụ án này, 2 người này cùng thống nhất ý chí bạo hành cháu bé nên có vai trò ngang nhau, cùng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Giết người” với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tử hình.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại cơ quan công an, bước đầu, Lành khai rằng đi lùi vào cháu Đ. làm cháu ngã ra nền nhà, còn An bế trượt tay làm cháu Đ. ngã đập đầu xuống đất. Do lời khai của 2 người mâu thuẫn, cơ quan công an đã đấu tranh làm rõ An và Lành đã đánh đập cháu Đ. dẫn đến thương tích.

Cụ thể, sáng 23-2, An và Lành đưa trẻ vào buồng ngủ thì thấy cháu Đ. chạy ra ngoài cửa khóc. Do bực tức, Lành bế cháu bé lên ném xuống nền nhà rồi cùng An đánh đập vào mặt, bụng, ngực… cháu Đ.. Đến chiều cùng ngày, gia đình đến đón thì người giữ trẻ nói dối cháu bé bị ngã.

Những ngày tiếp theo do không có điều kiện trông con gia đình tiếp tục gửi Đ. đến cơ sở của An và Lành.

Ngày 26-2, cháu Đ. tiếp tục khóc nên bị An dùng chân đạp vào bụng dẫn đến bất tỉnh. Lúc này, An thông báo cho gia đình đến và cùng đưa cháu đi cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ngày 1-3, cháu Đ. được bệnh viện trả về gia đình và tử vong sau đó.

Kết quả pháp y sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé là do chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.


Đông Hồ – Ninh Cơ