TP HCM chính thức trình Chính phủ nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội). Tờ trình do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký ngày 1-12.

Theo đó, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, thống nhất những nội dung của dự thảo nghị quyết về các quan điểm và mục tiêu, các nhóm cơ chế liên quan lĩnh vực cụ thể. Đồng thời đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM (thay thế Nghị quyết 54) theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Đẩy nhanh thế mạnh vượt trội của TP HCM

Đặt vấn đề cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, UBND TP HCM nhìn nhận sau 5 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để thành phố có thể huy động được nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đà tăng trưởng của TP HCM đang chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, giai đoạn 1996-2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước; đến giai đoạn 2011-2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; giai đoạn gần nhất 2016-2020 chỉ còn 6,41%/năm.

Sự vượt trội của TP HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và phục vụ đời sống nhân dân.

TP HCM sẽ phát triển vượt bậc khi có cơ chế, chính sách tương xứng; Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo UBND TP HCM, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54 cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới, như: Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM có một số bất cập; thành phố có nhu cầu rất lớn trong việc có hành lang cơ chế để thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển; một số chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương, thành phố có khả năng, nguồn lực để thực hiện…

Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54, tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà thành phố cần trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước.

Không ảnh hưởng sự điều hành chung của Chính phủ

UBND TP HCM nhấn mạnh xây dựng nghị quyết tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư nhằm giúp thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ “đầu tàu” kinh tế, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.

Nội dung TP HCM đặt ra trong nghị quyết mới là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 16/2012 và Kết luận 21/2017 của Bộ Chính trị.

TP HCM mong muốn được làm thí điểm những vấn đề đặt ra trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định; Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Quan điểm của TP HCM là các cơ chế, chính sách đặc thù phải không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP HCM

Xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của TP HCM.

Không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung về TP HCM, mà xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư. Hình thành các cơ chế để thành phố có thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố để chi cho đầu tư phát triển, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

7 nhóm nội dung trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Bố cục dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gồm 11 điều, trong đó 7 điều (từ Điều 3 đến Điều 9) đề xuất các cơ chế cụ thể liên quan 7 lĩnh vực và nội dung.

Cụ thể: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; Tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM; Cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.


PHAN ANH